24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo Chiến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quý I lãi tốt, chưa hẳn đáng mừng

Nhiều doanh nghiệp niêm yết báo lãi tăng bằng lần trong quý đầu năm, tuy nhiên, mức lợi nhuận tốt này khó có thể duy trì trong những quý sau.

Doanh nghiệp săm lốp khó khăn hơn từ quý II

Kết thúc quý I/2020, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp săm lốp đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này lại chủ yếu nhờ cùng kỳ năm trước là thời điểm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này tạo đáy.

Tại CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), doanh thu quý I giảm 2,5% so với cùng kỳ 2019, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 46,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.

Mức tăng trưởng lợi nhuận tốt của DRC được đánh giá chủ yếu là do quý I/2019 là thời kỳ tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, trước khi tăng tốc trong quý II/2019 và đặc biệt là nửa cuối năm với mức lợi nhuận trước thuế bình quân trên 33 tỷ đồng/tháng.

Như vậy, so với mức bình quân trên, hiệu quả kinh doanh quý I của DRC đã giảm đến hơn 50%.

Thực tế, trong xu hướng đi xuống của giá nguyên vật liệu đầu vào, Hội đồng quản trị DRC mới đây đã thông qua kế hoạch kinh doanh quý II/2020 với doanh thu dự kiến giảm 42,7% so với cùng kỳ 2019, còn lợi nhuận trước thuế giảm 57,5%.

So với quý I vừa qua, doanh thu, lợi nhuận kế hoạch quý II cũng lần lượt giảm 21% và 19%, cho thấy sự thận trọng của Ban lãnh đạo Công ty về tình hình tiêu thụ sản phẩm.

Tương tự, tại CTCP Cao su Sao Vàng (SRC), doanh thu quý I giảm 15,6% so với cùng kỳ 2019, nhưng nhờ biên lãi gộp được cải thiện, giúp Công ty thu về 9,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 3 lần so với cùng kỳ 2019.

Dẫu vậy, lợi nhuận bình quân mỗi tháng trong quý vừa qua chỉ bằng phân nửa so với quý liền trước.

Tại CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), nhờ doanh thu vẫn tăng trưởng và biên lãi gộp cũng được cải thiện, Công ty thu về 15,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm 2020, tăng 6,4 lần cùng kỳ 2019.

Tương tự SRC hay DRC, lợi nhuận cả quý vừa qua của CSM chỉ cao hơn 10% so với mức bình quân trong 1 tháng của quý IV/2019.

Bước sang quý II, dù giá nguyên liệu đầu vào (cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, than đen và hóa chất) giảm, nhưng việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ô tô bị đình trệ do gián đoạn nguồn cung linh kiện, phụ tùng, trong khi nhu cầu mua sắm xe sụt giảm, ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ cũng như kết quả kinh doanh của các hãng sản xuất săm lốp trong nước.

Tại Việt Nam, Ford, Toyota, Honda, TC Motor (lắp ráp xe Hyundai), VinFast, Nissan, Mercedes đã đồng loạt tạm ngưng hoạt động sản xuất ô tô.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại các nước châu Âu và Mỹ, những thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp ngành săm lốp Việt Nam.

Nếu tình hình tiêu thụ không sớm được cải thiện, các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với những thách thức lớn về dòng tiền kinh doanh. Bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đang sử dụng vốn vay lớn.

PVB, PVD: Lo ngại thiếu dự án gối đầu

CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) là một trong những doanh nghiệp họ dầu khí báo lãi tăng mạnh nhất trong quý đầu năm, với lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 12 tỷ đồng).

Đây là quý thứ 2 liên tiếp PVB báo lãi tích cực, qua đó hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm. Thông tin lợi nhuận đã giúp thị giá cổ phiếu PVB tăng hơn 100% chỉ trong nửa đầu tháng 4/2020.

Lãi đột biến của PVB là điều đã được dự báo, khi tháng 9/2019, Công ty ký được hợp đồng bọc ống dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, trong chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2. Theo đó, PVB bọc ống cho 126 km đường ống dẫn khí có đường kính 26” và 29,5 km đường kính 30”.

Trong báo cáo phân tích vào tháng 8/2019, ngay trước khi hợp đồng được ký kết, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) ước tính, lợi nhuận từ dự án sẽ được ghi nhận chủ yếu trong quý IV/2019 và quý I/2020.

Tuy vậy, TVSI cũng đánh giá, sau khi hoạt động bọc ống cho dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 dự kiến kết thúc trong quý II/2020, các dự án lớn tiếp theo có thể phải chờ đến cuối năm 2021 hoặc năm 2022 mới được triển khai, PVB sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu dự án lớn trong nửa cuối năm 2020 và có thể kéo dài đến hết năm 2021, tương ứng doanh thu và lợi nhuận có thể giảm mạnh trong giai đoạn này.

Rõ ràng, việc phụ thuộc chủ yếu vào một dự án đang thi công, thiếu hợp đồng gối đầu khiến sau con số lợi nhuận khủng này, nhà đầu tư không khỏi lo lắng cho triển vọng kinh doanh của PVB trong bối cảnh giá dầu xuống thấp có thể ảnh hưởng đến tiến độ cũng như đơn giá của các dự án dầu khí trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cùng ngành là Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) vừa công bố ước tính kết quả quý I với những con số khá tích cực: doanh thu đạt 1.650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng.

Cùng kỳ 2019, Công ty lỗ tới 93 tỷ đồng. Yếu tố giúp PVD cải thiện lợi nhuận bất chấp giá dầu lao dốc là nhờ các hợp đồng khoan ký từ năm trước giúp Công ty một mặt duy trì hoạt động liên tục trong quý I/2020 và đơn giá cho thuê tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng thời, Công ty cũng không còn phải trích dự phòng phải thu với các khoản nợ quá hạn của khách hàng.

Tuy vậy, việc giá dầu giảm mạnh dự báo sẽ khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn trong thời gian tới, khi các hợp đồng khoan hiện hữu đáo hạn và phải tái ký, đơn giá cho thuê được dự báo sẽ giảm, thậm chí có nguy cơ không tái ký được hợp đồng.

Đây cũng là điều khiến nhà đầu tư lo ngại với tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khác trong phân khúc dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

TNC, TRC: Tăng trưởng khó bền do không đến từ hoạt động kinh doanh chính

Trong bối cảnh giá cao su tự nhiên trong xu hướng giảm mạnh từ đầu năm đến nay cùng thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) nhiều khả năng sẽ lọt nhóm các doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng cao nhất trong quý đầu năm 2020, với 24,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 17 lần so với cùng kỳ 2019.

TNC ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu tốt trong quý vừa qua như bán mủ cao su, chuối xen canh và chuối hợp tác kinh doanh giúp doanh thu tăng gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 12,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do biên lợi nhuận thấp nên các hoạt động này chỉ giúp TNC thu về 1,38 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chưa đủ bù đắp cho khoản chi phí quản lý trong kỳ.

Trong bối cảnh đó, lợi nhuận đột biến chủ yếu đến từ hoạt động tài chính khi TNC nhận được 22,37 tỷ đồng tiền cổ tức do CTCP Dịch vụ xuất nhập khẩu nông lâm sản và phân bón Bà Rịa chi trả cho các năm tài chính trước 2018.

Ngoài ra, Công ty cũng thu về 3 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, tăng gần 700 triệu đồng so với cùng kỳ 2019.

Việc nhận hơn 22 tỷ đồng cổ tức từ CTCP Dịch vụ xuất khẩu nông lâm sản và phân bón Bà Rịa là khoản đầu tư khá hiệu quả của TNC khi giá vốn đầu tư chỉ 26,8 tỷ đồng, chiếm 12% vốn điều lệ của công ty này.

Tuy vậy, với đặc điểm chi trả cổ tức là khoản mục thu nhập không thường xuyên, nếu thu nhập từ hoạt động kinh doanh chính không được cải thiện, TNC sẽ khó duy trì tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2019.

Dù sao thì với kết quả quý I, cổ đông của TNC vẫn có thể kỳ vọng về một năm ghi nhận lợi nhuận cao nhất kể từ 2013 đến nay khi trong tháng 3/2020, Công ty cũng đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc dự kiến mang 64.470 cây cao su ra thanh lý với tổng giá trị khởi điểm cho toàn bộ lô vào khoảng 11,3 tỷ đồng. Nếu bán thành công, TNC sẽ có khoản thu nhập khác đáng kể.

Hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính ít biến động so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của TRC vẫn tăng 5,55 lần trong quý đầu năm nay nhờ khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định 21 tỷ đồng, chủ yếu từ thanh lý vườn cây.

Qua đó, giúp thu nhập khác tăng gấp 22 lần cùng kỳ, đạt 22 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết khác cũng có kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng đột biến hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ, tạo động lực cho đà tăng của thị giá cổ phiếu.

Tuy vậy, để đánh giá tình hình cũng như triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng là chưa đủ. Quan trọng hơn là phải xem xét được nguồn gốc, chất lượng lợi nhuận và hiệu suất sinh lời so với quy mô tài sản, nguồn vốn mà những doanh nghiệp này sở hữu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả