Quý I/2021: Giải ngân vốn FDI đạt 4,1 tỷ USD, tăng trưởng 6,5%
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2021 (tính đến 20/3) ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Đây là kết quả khá khả quan trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn đang trong tình trạng phong tỏa vì đại dịch, biên giới đóng cửa với hoạt động đi lại và các chuyến bay chưa được kết nối.
Tương tự, vốn FDI đăng ký cũng khởi sắc trong quý I năm nay, với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng tới 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, về vốn đăng ký mới, có 234 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 69,1% so với cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Về vốn điều chỉnh, có 161 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 31,8% so với cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ.
Riêng góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh với 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 70,9% so với cùng kỳ và tổng giá trị vốn góp 805,3 triệu USD, giảm 58,8% so với cùng kỳ.
Năm 2020, Việt Nam thu hút được 28,53 tỷ USD vốn FDI đăng ký, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019; vốn thực hiện ước đạt 19,98 tỷ USD, giảm tương ứng 2%.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong quý I năm nay các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 600 triệu USD và trên 167 triệu USD...
Theo đối tác đầu tư, đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD, chiếm gần 45,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 93,4% và 70,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này); Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,2 tỷ USD, chiếm 32,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Cần Thơ đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư; Hải Phòng đứng thứ 3 với 946 triệu USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bắc giang, Bình Dương…
Hoạt động kinh doanh của khu vực đầu tư nước ngoài khá khởi sắc trong quý I năm nay, với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong 3 tháng đầu năm ước đạt 58,59 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm 76,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; không kể dầu thô thì đạt 58,21 tỷ USD, tăng 28% và chiếm 75,9%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tương ứng đạt 49,8 tỷ USD, tăng 30,3% so cùng kỳ và chiếm 66,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
“Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 8,8 tỷ USD kể cả dầu thô, hay xuất siêu gần 8,4 tỷ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết
Lũy kế đến ngày 20/3/2021, cả nước có 33.294 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 393,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 236,96 tỷ USD, bằng gần 60% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận