Quy hoạch Điện VIII 'cởi trói' dự án năng lượng tái tạo, xóa cảnh thiếu điện?
Theo chuyên gia, quy hoạch Điện VIII với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo sẽ là "cứu cánh" cho những dự án điện gió, điện mặt trời đang gặp vướng mắc hiện nay.
Trả lời VTC News, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Quy hoạch có hiệu lực sẽ giảm sự bất định về mặt chính sách cho nhà đầu tư các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, quy hoạch đề ra được những nguyên tắc, cách thức, bước đi để nhà đầu tư và EVN triển khai đấu nối các dự án, tránh gây thất thoát lãng phí nguồn điện, hạn chế tổn thất cho doanh nghiệp”.
Trong khi đó, TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng dự báo, Quy hoạch điện VIII dù sẽ tháo gỡ nhưng trước mắt không thể triệt để khó khăn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Bởi sự phát triển nóng thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy không thể xử lý một sớm một chiều được.
“Thực tế, năng lượng tái tạo cũng chỉ góp phần rất nhỏ vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vì nó còn phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện khai thác. Quy hoạch điện VIII chỉ tính toán hỗ trợ đến mức tối đa các khả năng hấp thụ của hệ thống, chỗ nào cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới, rồi tư nhân hoá đấu nối lên điện áp cao hơn…chứ không xử lý ngay toàn bộ đấu nối, mua toàn bộ cho các doanh nghiệp tái tạo. Tuy nhiên, sau năm 2030, việc đấu nối và mua điện cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo có thể được xử lý một cách triệt để”, ông Kiệt nói.
Theo ông Kiệt, thời gian qua không có quy hoạch năng lượng, không có quy hoạch điện mặt trời quốc gia. Trong khi đó, dự án điện mặt trời làm nhanh nên nhiều dự án bùng nổ. Nhưng thiếu quy hoạch nên không có đường dây, điều này gây mất cân đối giữa nguồn với đường dây truyền tải điện trong giai đoạn 2018 - 2020. Bây giờ, quy hoạch đã có rõ ràng, lĩnh vực này sẽ có thể phát triển nếu phù hợp với quy hoạch.
"Với Quy hoạch điện VIII, sau năm 2030, việc đấu nối và mua điện cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo có thể được xử lý một cách triệt để" - TS Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng
Tại tọa đàm trực tuyến về giá điện do báo Thanh Niên tổ chức sáng 16/5, TS Hà Đăng Sơn đánh giá, các dự án điện gió, điện mặt trời được xây dựng, triển khai trong thời gian qua có công suất rất lớn nhưng thực tế thống kê điện năng phát thực sự của các nguồn này tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, điện mặt trời có thời gian phát điện từ 6 - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.
Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.
Từ những phân tích trên, TS Sơn nhận định, Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà. Mục tiêu đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.
Quy hoạch VIII sẽ đảm bảo đủ điện?
TS Ngô Tuấn Kiệt thông tin, các dự án để đáp ứng được nhu cầu điện giai đoạn 2021 - 2030 chủ yếu đã có trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Quy hoạch Điện VIII rà soát lại để giữ lại những dự án có độ tin cậy cao. Vì thế, quy hoạch giải quyết được bài toán trước mắt là đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án đang triển khai, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho những năm tới.
"Giai đoạn 2021 - 2030 về cơ bản, các kịch bản đã được tính tương đối rõ. Nếu không có trục trặc bất ngờ nào thì vấn đề an ninh điện không phải vấn đề lớn. Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch mở, sau khi có quy hoạch thì sẽ lên kế hoạch triển khai theo chu kỳ. Vì thế, bây giờ sẽ không có hiện tượng phê duyệt mang tính nhỏ lẻ, mà sẽ nhìn tổng thể quốc gia", ông Kiệt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa rất lớn, giúp những dự án nguồn điện lớn triển khai đúng tiến độ có thể hoà vào lưới điện quốc gia đúng kế hoạch, khi các dự án lưới truyền tải điện được hoàn thành đồng bộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận