Quy hoạch đất đô thị đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém
Chiều 27/5, Quốc hội tiếp tục Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho biết, qua các báo cáo, việc thực hiện quản lý quy hoạch và sử dụng đất đô thị còn bộc lộ nhiều yếu kém như: Chất lượng quy hoạch thấp; điều chỉnh quy hoạch không đảm bảo… gây khó khăn cho người dân sống trong vùng quy hoạch. Đồng thời, ý thức của người dân trong việc tham gia ý kiến trong thực hiện quy hoạch còn chưa mặn mà.
“Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc chục lợi chính sách của một số bộ phận công chức trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến sử dụng đất đai đô thị”, ĐB đoàn Hòa Bình nói.
Trước những nguyên nhân nêu trên, ĐB Sinh kiến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện ngay các quy định về huy động vốn theo hình thức BT để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho chính quyền địa phương khi thực hiện một chủ trương lớn về huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thực hiện công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong loại hình đầu tư này.
"Các địa phương cần thanh tra và sớm có kết luận các trường hợp quy hoạch, thu hồi, bồi thường tái định cư, giao đất, đấu giá đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, cần có phương án xử lý từng trường hợp theo quy định của pháp luật kiên quyết thu hồi các dư án sai phạm, trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân trong vùng dự án. Xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, đề nghị trước mắt cần chuyển hồ sơ của cơ quan Thanh tra các cấp, Kiểm toán nhà nước kết luận có sai phạm sang Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật", ĐB Sinh kiến nghị.
Đồng tình với việc thực hiện chính sách đất đai đô thị, đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) nói, hệ thống văn bản pháp luật bao quát đã nâng cao được hiệu quả trong sử dụng đất và hạn chế được tiêu cực trọng hoạt động liên quan đến đất đai. Điều này đã tạo động lực để phát triển các đô thị trên cả nước.
Tuy nhiên ĐB Quốc hội đoàn Hà Tĩnh cho rằng, quá trình hoạt động vẫn còn hạn chế ở một số lĩnh vực như: Chưa ban hành văn bản chi tiết để phù hợp với thực tiễn; quy trách nhiệm trong sử dụng đất sai mục đích… Từ đó, đề nghị quy rõ trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất đai là điều cử tri mong muốn.
Cũng theo ĐB Nguyễn Sơn, qua giám sát cho thấy, cần chỉ rõ trách nhiệm các địa phương, bộ, ngành trong các vi phạm về đất đai, nhất các dự án lớn có sai phạm. Đồng thời, đưa vào chương trình xây dựng để sửa đổi luật đất đai, đầu tư. Thống nhất tên gọi các loại đất tránh chồng chéo. Đặc biệt, nghiên cứu để có nghị định trong xử lý vấn đề trong quản lý sử dụng đất đô thị và có đánh giá cụ thể để công khai cho công luận được rõ.
Tại phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã xin tiếp thu những nội dung trong báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu để xây dựng quy định cụ thể và hạn chế chế bất cập trong việc sử dụng đất.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề trên, Bộ Xây dựng kiến nghị 4 vấn đề cơ bản: Chất lượng, tính minh bạch trong sử dụng; nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn; cần có sự kiểm soát hiệu quả về quản lý và thực hiện các dự án phát triển kinh tế; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về sử dụng đất.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đối với vấn đề nâng cao chất lượng, tính minh bạch trong sử dụng, sau quá trình giám sát, bộ sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương để bổ sung một số quy đinh pháp luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị.
Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế tính tình trạng điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện như các ĐB đã nêu, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội thông qua nội dung đối với 3 vấn đề liên quan đến quy hoạch. Trong đó nổi bật, đã sửa đổi việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo trình tự, thủ tục đúng như Luật quy hoạch; bãi bỏ giấy phép về quy hoạch.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, sẽ có rà soát để ban hành công cụ để tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên, hiệu quả hơn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận