Quy định mới về học lái xe: Trường dạy kêu khó, học viên tốn thêm tiền
Từ năm 2023, tất cả các trung tâm dạy lái ô tô phải trang bị buồng lái mô phỏng, học viên phải học trên thiết bị này tối thiểu 4 giờ. Trong khi buồng lái mô phỏng mới có 2 đơn vị cung cấp, chi phí trang bị đắt hơn cả mua một chiếc ô tô mới cỡ nhỏ. Cùng với đó, các xe được dùng để học thực hành phải lắp thêm thiết bị giám sát giờ học của học viên. Như vậy, chi phí học lái xe sẽ tăng mạnh.
Anh Nguyễn Công Cường (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) tỏ ra lo lắng với chi phí học lái xe đang được các trung tâm đào tạo chào giá tăng mạnh so với trước đây. Lý do là học viên phải học thêm trong buồng lái mô phỏng, thời gian học thực hành kéo dài.
Theo anh Cường, các trung tâm dạy lái xe đang báo giá khoá học bằng lái B1 (lái ô tô dưới 9 chỗ, số tự động) khoảng 15-16 triệu đồng, nếu bằng B2 (lái ô tô dưới 9 chỗ số sàn) phải 17-18 triệu đồng.
Trong khi trước đây, chi phí học lái xe chỉ từ 8-10 triệu đồng. “Nhiều trung tâm đào tạo lái xe đều lấy lý do các khoá khai giảng từ năm 2023 sẽ phải học thêm trên buồng lái mô phỏng, thời gian học thực hành không thể cắt bớt nên chi phí phải tăng lên”, anh Cường nói.
Anh Phạm Văn Thăng, giáo viên dạy lái xe ở Hà Nội cho biết, học phí các khoá học bằng lái xe năm 2023 đang tăng, do học viên phải học trong buồng lái mô phỏng và thời gian học thực hành trên đường trường nhiều hơn.
Với việc học trên buồng lái mô phỏng, các trung tâm đào tạo phải mua sắm thiết bị, chi phí đó sẽ được tính vào học phí. Đặc biệt, từ tháng 6 vừa qua, các xe thực hành đều có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực tế của học viên, không thể cắt bớt như trước nên chi phí thực tế phải tăng lên.
Trước đây, theo anh Thăng, có học viên chỉ học thực hành vài giờ trên đường, có người thậm chí không cần học với thầy giờ nào cũng đi thi và có bằng, giờ đây tất cả phải ngồi lên xe và ra đường thật.
Vị giáo viên này tính toán, với bằng lái ô tô B1 học viên sẽ phải học lái trên đường tối thiểu 24 giờ, tổng quãng đường 800km; với bằng B2 tối thiểu phải học 36 giờ, quãng đường 1.000km, chưa kể thời gian học trong sân tập. Mỗi giờ học thực hành ngoài đường tiền mua xăng dầu, thuê xe, học phí trả cho thầy khoảng 300 nghìn đồng/giờ. Riêng chi phí học thực hành ngoài đường đã khoảng 10 triệu đồng/học viên, tiền học phí nộp cho trung tâm thêm 5 triệu đồng/người.
“Không tăng học phí không được. Đổi lại, học viên có bằng sẽ lái được xe ngay, không cần bỏ thêm tiền học bổ túc mới dám ra đường như trước đây…”, anh Thăng nói.
“Buồng lái giả” đắt hơn xe thật
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lưu Đức Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, Trường Trung cấp nghề Á Châu (Hưng Yên) cho biết: Do thời gian triển khai quy định không thể lùi được nữa, đơn vị đã đặt mua buồng lái mô phỏng, dự kiến tuần này sẽ lắp đặt, giá 439 triệu đồng/buồng lái. Với số học viên trung tâm này đào tạo, họ dự kiến sẽ phải sắm 8 buồng lái mô phỏng, tổng chi phí đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã có nhiều văn bản xin lùi thời gian áp dụng quy định này, thế nhưng Bộ GTVT không chấp thuận nên giờ buộc phải trang bị. Vấn đề không nằm ở lợi ích mang lại cho người học, mà giá cả thiết bị quá cao, buồng lái mô phỏng nhưng giá đắt hơn cả ô tô thật”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, hiện mới có 2 đơn vị được cấp chứng nhận hợp quy để bán buồng lái mô phỏng cho các trung tâm đào tạo lái xe, phần cứng nhập về chỉ vài chục triệu đồng, thêm phần mềm các đơn vị bán ra với giá 400-500 triệu đồng/buồng lái. Ông Hải cho rằng, nếu mỗi buồng lái mô phỏng có giá dưới 200 triệu đồng sẽ hợp lý hơn.
“Giờ chúng tôi chỉ kiến nghị cơ quan quản lý giám sát, minh bạch giá thiết bị để có mức giá hợp lý hơn. Toàn bộ chi phí này sẽ phải phân bổ lên người học, làm chi phí học lái xe tăng lên, khiến số người học ít đi”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, cùng với việc giám sát chặt hơn thời gian học thực hành trên đường của học viên, sắp tới, số người học lái xe chắc chắn sẽ giảm, hiện tại, số người học của trung tâm đã giảm 1 nửa so với hồi đầu năm và cùng kỳ năm trước.
Thông tư 04 ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12 năm 2017 về Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định: Các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị và dạy học trên buồng lái mô phỏng tình huống từ ngày 1/1/2023.
Một lãnh đạo Cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, thời gian thực hiện quy định học viên học lái xe phải học trên buồng lái mô phỏng không thể lùi thêm nữa.
Hiện tại, thị trường đã có 2 đơn vị cung cấp thiết bị buồng lái đạt chuẩn. Trước thông tin áp dụng quy định mới dẫn tới chi phí học lái xe tăng lên, lãnh đạo Cục Đường bộ cho rằng, không loại trừ yếu tố lợi dụng việc triển khai quy định để thu thêm tiền của người học.
“Việc thu học phí học lái xe đã được phân cấp, phân quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí liên quan, được công khai và báo cáo Sở Tài chính, Sở GTVT địa phương để giám sát, thanh kiểm tra. Nơi nào tăng học phí bất hợp lý sẽ không có người học”, vị lãnh đạo Cục Đường bộ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận