Quy định mới nhất về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm
Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng với khoản tiền gửi rút trước hạn một phần.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng
Một trong những thay đổi quan trọng theo Thông tư 04, đó là trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.
Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn tiền gửi.
Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng với khoản tiền gửi rút trước hạn một phần.
Thông tư áp dụng đối với 4 hình thức đó là tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại luật các tổ chức tín dụng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và thay thế Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng.
Đối với các thỏa thuận lãi suất rút trước hạn tiền gửi trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định cụ thể về việc rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn; đồng thời, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.
Như vậy, quy định mới giúp khách hàng được linh hoạt hơn khi cần rút tiền trước hạn, không cần phải rút toàn bộ.
Tiền gửi ngân hàng "lên ngôi"
Trong một diễn biến liên quan, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi của người dân trong tháng 3/2022 tăng hơn 14.000 tỷ đồng. Mức tăng này ở các tháng 1 và tháng 2 lần lượt là 103.000 tỷ đồng và 56.000 tỷ đồng.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,28% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, không chỉ tiền gửi cư dân, mà tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng nhanh. Riêng trong tháng 3/2022 tăng tới 228.300 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.
Lãi suất tiết kiệm tăng, người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng. (Nguồn: SBV)
Nói về động thái "nóng" của lãi suất, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết, Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh lãi suất, đó là động thái của từng ngân hàng thương mại.
"Trong thời gian qua, giá cả leo thang người dân không mặn mà với kênh gửi tiết kiệm khiến cho thanh khoản ngân hàng gặp khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm tiền cho ngân hàng thương mại tăng thanh khoản, đồng thời các ngân hàng tự tăng lãi suất "tự cứu mình"", ông Ngân nhấn mạnh với PV Dân Việt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận