menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lưu Duy Quang

'Quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm'

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Tại phiên thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi ở Quốc hội chiều 27/5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam mới 29 năm, còn rất non trẻ so với các nước trên thế giới song đã có 8/9 loại hình BHXH, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Bộ trưởng, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Khi triển khai, các đơn vị chức năng phải thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước để khi người già về hưu đều có lương, bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, một bộ phận người lao động hiện nay muốn rút bảo hiểm xã hội một lần nên nhà chức trách phải quan tâm đến đời sống thực tế của họ. Chính phủ đã nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế và lấy ý kiến qua hội thảo để đưa ra hai phương án. Hiện Chính phủ cũng thấy rằng "không có phương án nào khác".

Theo dự thảo luật, Phương án một là phân loại hai nhóm lao động để giải quyết rút BHXH một lần. Người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.

Ông Dung cho hay khi nghiên cứu các đề xuất, ban soạn thảo từng tính toán đến việc tích hợp hai phương án như một số đại biểu đề xuất. Theo đó, người đang đóng BHXH được hưởng tiếp như phương án 1, người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2. Song tham vấn ý kiến các chuyên gia thì thấy rằng nếu cộng hai phương án lại thì "nhược điểm nhiều hơn ưu điểm".

'Quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm'
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận chiều 27/5. Ảnh: Media Quốc hội

Hơn nữa, nửa năm qua, cơ quan thẩm tra và soạn thảo đã lấy ý kiến tác động rộng rãi. 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần cao đều chọn phương án 1, rút ít đề xuất phương án 2.

Về giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Dung đồng ý với các ý kiến của đại biểu rằng cần có nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Tại phiên thảo luận diễn ra cả ngày nay, có 55 ý kiến phát biểu nhưng phương án quy định tại dự thảo chưa có sự thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cho hay trong điều kiện hiện nay, nhiều người cần một khoản chi phí để trang trải, vượt qua khó khăn trước mắt. Vì vậy không thể hạn chế việc rút BHXH một lần như phương án 1 dễ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người cảm giác như bị đẩy vào thế khó, dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.

Thế nhưng nếu áp dụng phương án 2, nhiều người lao động sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng. Họ cũng sẽ có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực.

Đánh giá đây là nội dung lớn, cần có lộ trình nên đại biểu Nga đề xuất nên tích hợp cả hai phương án này. Theo bà, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1. Người tham gia sau khi luật có hiệu lực thì áp dụng phương án 2. Ngoài ra, cần làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.

'Quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề nhạy cảm'
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho biết riêng tháng 4 có hơn 121.000 người rút BHXH một lần, tăng 39% so với quý 1.

Bà Ry thấy nếu không có giải pháp thì thời gian tới việc rút BHXH một lần còn tăng mạnh. Phương án 1 sẽ không làm ảnh hưởng đến 18 triệu người lao động đang tham gia BHXH song theo bà Ry là không chính xác, do chưa tính đến việc người lao động ồ ạt rút BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực.

Đại biểu Ry đề xuất kết hợp giữa hai phương án theo hướng người lao động có quyền rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút với khoản 8% trực tiếp đóng, còn khoản % còn lại do người sử dụng lao động đóng sẽ không được rút. Phương án này đảm bảo đúng nguyên tắc "vừa có đóng vừa có hưởng".

Trong khảo sát hơn nửa ngày trên VnExpress, 24% độc giả chọn phương án 1, 5% chọn phương án 2 và 71% đề nghị giữ nguyên như hiện nay.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả