Quy định cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu chưa niêm yết vẫn còn nhiều thách thức
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN là động thái gỡ rối tiếp theo cho thị trường TPDN nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Nhưng vẫn còn những điểm thắt chặt mà doanh nghiệp chưa thể đặt nhiều kỳ vọng.
Sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 vừa “mở” vừa “thắt” đối với hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu. Đáng chú ý là quy định cho phép các tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán đến hết ngày 31/12/2023 kèm theo một số những quy định cụ thể.
Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, rất ủng hộ việc NHNN cho phép các ngân hàng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM.
“Nhưng cần một số điều kiện để đảm bảo an toàn. Nếu doanh nghiệp đang có khoản nợ tại ngân hàng, dư nợ của doanh nghiệp không thể vượt quá 15% vốn chủ sở hữu. Ngân hàng cũng không được dùng việc mua trái phiếu để đảo nợ và việc mua bán này cần phải tính chung vào dư nợ của doanh nghiệp theo đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng", ông Hiếu nói.
Dự thảo Thông tư 16 cũng bổ sung quy định ngân hàng chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng trái phiếu doanh nghiệp dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán.
Bình luận về quy định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Thực ra, tỷ lệ đòn bẩy chỉ là tỷ lệ trên bảng cân đối kế toán. Quan trọng ngân hàng phải thẩm định xem dòng tiền của doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đủ để đáp ứng nghĩa vụ nợ không? Tốt nhất là thông qua bảng xếp hạng tín nhiệm của những công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập, vì những kết quả này vừa mang tính toàn diện, vừa chi tiết và đảm bảo khách quan hơn so với bảng đánh giá nội bộ của các ngân hàng”.
Để xác định doanh nghiệp có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn, TS. Hiếu cho rằng:
Ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích công ty chứng khoán Pinetree cho rằng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 cho thấy định hướng gỡ rối cho những khủng hoảng trên thị trường TPDN thời gian qua, giảm bớt áp lực đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nói riêng và toàn bộ thị trường tài chính nói chung.
“Trong bối cảnh hầu hết các trái phiếu bất động sản đều là trái phiếu chưa niêm yết, nên khối lượng nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân rất lớn nhưng gần như không có thanh khoản. Hiện các doanh nghiệp bất động sản đang chịu áp lực rất lớn về dòng tiền để đáp ứng nghĩa vụ nợ với các nhà đầu tư cá nhân này. Và việc các tổ chức tín dụng được phép mua lại các trái phiếu đã phát hành của các doanh nghiệp chưa niêm yết, đến hết năm nay có lẽ là điểm tích cực nhất.
Mặt tích cực thứ hai là NHNN mở ra thêm điều kiện để tổ chức tín dụng được phép mua lại, cho phép mua lại với mục đích bổ sung vốn lưu động. Thông tư 16 hiện hành quy định, các tổ chức tín dụng không được mua lại trái phiếu phục vụ mục đích bổ sung vốn lưu động, mà chỉ dùng cho các dự án cụ thể, mua sắm tài sản cố định... Trong khi, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường muốn sử dụng vốn linh hoạt. Nếu mở rộng ra, cho bổ sung vốn lưu động thì mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn rất nhiều”, ông Khang phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Khang, NHNN đang siết chặt hơn ở một số tiêu chí khác. Đơn cử như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu muốn được tổ chức tín dụng mua lại, thì tỷ lệ đòn bẩy (hệ số nợ/vốn chủ), bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành, không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán.
Điều này nhằm tránh việc nhiều doanh nghiệp là công ty dự án có đòn bẩy rất cao, lên đến chục và vài chục lần mặc dù đáp ứng các tiêu chí phát hành trái phiếu theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhưng cũng là rào cản với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Dự thảo Thông tư 16 cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng khi mua lại trái phiếu thì các doanh nghiệp phát hành phải có điểm tín dụng trên hệ thống nội bộ của tổ chức tín dụng ở hạng cao nhất. Đây là điều cực kỳ thách thức khi nhìn vào tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản hiện tại, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết, rất khó để họ duy trì trạng thái điểm tín dụng cao nhất trong hệ thống chấm điểm nội bộ của các ngân hàng.
Dẫn số liệu từ FiinPro, ông Khang cho biết, trong hai năm 2023 và 2024, bất động sản là nhóm ngành có khối lượng đáo hạn lớn nhất, ngay tháng 2, 3/2023 lên khoảng 30.000 tỷ đồng. Dự đoán kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản niêm yết năm nay cho thấy, rất khó để các doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, phát triển dự án và bán hàng, để đáp ứng hơn 100.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn trong năm nay, trừ khi họ bán dự án hoặc có hoạt động cơ cấu lại tài sản.
Nhìn chung, Dự thảo Thông tư này thông qua sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản có quan hệ tín dụng tốt và chất lượng tài sản ổn định.
“Khi việc mua lại trái phiếu phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ thì rất ít doanh nghiệp bất động sản có thể đáp ứng. Vậy nên Dự thảo Thông tư này mang tính hỗ trợ thanh khoản thị trường là chính. Thời gian áp dụng cũng chỉ hết năm 2023, nên doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tái cơ cấu tài sản để đáp ứng được nghĩa vụ nợ. Còn hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn đã đạt được các thỏa thuận với tổ chức tín dụng và nhận hỗ trợ theo một phương án khác”, ông Khang nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận