24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Dương Quang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quỹ đầu tư chọn gì tại Việt Nam?

Bên cạnh đầu tư FDI, số lượng các quỹ đầu tư đầu tư tư nhân (PE) tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam ngày một gia tăng.

Sau thành công trong kiểm soát đợt bùng phát lần thứ nhất của đại dịch Covid-19 và hiện đang triển khai tốt công tác chống dịch lần hai, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có tăng trưởng dương cao nhất trong khu vực ASEAN với mức 3,1% (theo Amro).

Số liệu này cũng tương thích với các kết quả trong Báo cáo kinh doanh quốc tế của Grant Thornton khi cho thấy, khoảng 65% các doanh nghiệp Việt Nam nhận định lạc quan về kinh tế phát triển trong tương lai.

Các nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, cùng với xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc gia tăng, càng làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài.

Mặc cho ảnh hưởng nặng nề của Covid 19 vẫn còn đang hiện hữu, chúng tôi đã thấy được khá rõ mối quan tâm của các quốc gia xung quanh vào Việt Nam và xu hướng gia tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo ghi nhận từ Tổng cục Thống kê, tổng số vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) thực hiện đến tháng 7 năm 2020 ước tính ở mức 10,1 tỷ USD. Tuy chưa thể hiện rõ ràng làn sóng dịch chuyển, nhưng trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo ghi nhận nguồn vốn FDI lớn nhất với số vốn là 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% trên tổng số.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép đầu tư, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD (48,3% số vốn đăng ký), tiếp theo là các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Xu hướng đầu tư tư nhân tại Việt Nam

Bên cạnh FDI, chúng tôi cũng quan sát thấy số lượng các quỹ đầu tư đầu tư tư nhân (PE) tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng ngày một gia tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, mặc cho tình hình khó khăn với việc hạn chế di chuyển, đóng cửa biên giới ở một số quốc gia, số lượng các giao dịch PE trong 6 tháng đầu năm 2020 không hề thuyên giảm, mà vẫn đạt trên 50% tổng số lượng giao dịch của năm 2019 (55 giao dịch trong 6 tháng 2020 so với 107 giao dịch trong cả năm 2019).

Hơn nữa, giá trị các giao dịch trong 6 tháng 2020 đã vượt xa, hơn gấp đôi con số tổng giao dịch của năm 2019.

Quỹ đầu tư chọn gì tại Việt Nam?
Quỹ đầu tư chọn gì tại Việt Nam?

Hai biểu đồ cũng cho thấy mối quan tâm của các quỹ đầu tư tư nhân vào một số nhóm ngành tiêu biểu, bao gồm năng lượng, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, công nghệ và truyền thông, dịch vụ tài chính và sản xuất.

Nhóm ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng ấn tượng nhất với mức 2.394% dù chỉ với 1 thương vụ. Tiếp theo là các nhóm bất động sản, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, dịch vụ tài chính với mức tăng trưởng lần lượt là 1.444%, 11.385 và 318%.

Sự thay đổi về giá trị đầu tư của 2 nhóm ngành bán lẻ và sản xuất rất đáng lưu ý, do giá trị đầu tư đều đạt hàng trăm triệu USD.

Những con số trên đã thể hiện phần nào phản ứng của nhà đầu tư trước tiềm năng của thị trường Việt Nam và có thể đây sẽ là khởi đầu cho xu hướng dòng FDI về sau.

So với kết quả khảo sát triển vọng đầu tư tư nhân năm 2019, các ngành được yêu thích bao gồm công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử (E-commerce) và giáo dục trực tuyến (E-learning), thì xu hướng trên cũng chưa có nhiều thay đổi.

Đại dịch Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng đi ngược với xu hướng này là sự phát triển đột phá của các ngành ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, làm thay đổi đáng kể lối sống và thói quen của người tiêu dùng.

Hướng đi của doanh nghiệp

Mặc dù đang có các dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế, nhưng thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong khối SME (vừa và nhỏ) - khối chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước, đã không thể gượng dậy do khó khăn sau đại dịch.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2020, có 32,7 nghìn doanh nghiệp tạm dừng có thời hạn và hơn 30 nghìn doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động để làm hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể.

Trong đó, số lượng doanh nghiệp có quy mô dưới 10 tỷ đồng là hơn 8 nghìn. Lĩnh vực bán lẻ, công nghiệp chế biến và xây dựng chiếm đa số.

Tính riêng tại khu vực TP.HCM có hơn 21.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Việc này dẫn tới thị trường mất hơn 12.000 tỷ đồng và hàng chục nghìn người lao động lâm vào tình trạng thất nghiệp cũng như nhiều hệ quả kinh tế - xã hội khác.

Tác động của đại dịch đến kinh tế đã quá rõ ràng. Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là doanh nghiệp cần làm gì để phục hồi và đón được cơ hội đầu tư mới từ nước ngoài?

Tận dụng cơ hội trong khủng hoảng để tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề trọng yếu doanh nghiệp cần làm để vượt qua khó khăn và bứt phá.

Nhiều giải pháp tiêu biểu đã được doanh nghiệp triển khai bao gồm tăng cường quản lý dòng tiền, phát triển kênh phân phối, mở rộng thị trường sản phẩm, duy trì lực lượng lao động hiệu quả, thành lập hội đồng chiến lược xử lý các vấn đề về khủng hoảng do dịch bệnh…

Ngoài ra, việc nâng cao giá trị công ty thông qua cải cách chiến lược nâng cấp mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ số, xây dựng đội ngũ quản lý tài năng, năng tầm quản trị doanh nghiệp đang được các nhà quản trị và quỹ đầu tư tập trung ưu tiên triển khai.

Điều này cho thấy, có rất nhiều việc doanh nghiệp cần và có thể làm, nhưng đã không thể thực hiện được đồng bộ khi thị trường đang phát triển quá nóng và có quá nhiều vấn đề khác thu hút nguồn lực và sự chú ý của doanh nghiệp.

Khảo sát về đầu tư tư nhân 2019 của chúng tôi cho thấy, ngoài cơ hội kinh doanh tốt, các vấn đề mà các quỹ đầu tư tư nhân quan tâm là quản trị doanh nghiệp, minh bạch thông tin, quản trị nhân lực, đội ngũ lãnh đạo…

Bệnh viện Thu Cúc nhận khoản 26,7 triệu USD đầu tư từ Quỹ VinaCapital - nguồn vốn sẽ giúp bệnh viện mở rộng kinh doanh, là một câu chuyện đáng chú ý.

Chúng ta cùng chờ xem sự minh bạch trong hệ thống quản trị của bệnh viện này sẽ được cải thiện như thế nào, chiến lược phát triển sắp tới sẽ cải thiện ra sao và đặc biệt, những thay đổi đó sẽ đóng góp bao nhiêu phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tận dụng thị trường châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lức từ ngày 1/8/2020 đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ các quỹ đầu tư đi tìm doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp tăng sự chủ động và mở ra các cửa sổ tìm kiếm người đồng hành có thể sẽ tạo nên những cộng hưởng mới, vượt qua khó khăn, cùng phát triển.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả