Quỹ bình ổn 'ôm' hàng nghìn tỷ khi giá xăng dầu tăng liên tục, tại sao?
Thông tin từ Bộ Công Thương, từ 15h chiều qua 21/8, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng ở hầu hết các mặt hàng.
Theo Tuổi Trẻ Online, nhà điều hành lý giải giá xăng dầu tăng là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/8 và kỳ điều hành ngày 21/8 tăng. Mức tăng với xăng, dầu hỏa là khoảng 3%, trong khi mặt hàng dầu diesel và dầu mazut giảm dưới 1%.
Với diễn biến giá như trên, Bộ Công Thương tiếp tục không thực hiện trích lập vào quỹ bình ổn giá với tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cơ quan điều hành tiếp tục thực hiện dừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả việc dừng chi sử dụng quỹ với dầu mazut (kỳ trước chi 150 đồng/kg).
Việc không chi sử dụng quỹ bình ổn trong nhiều kỳ liên tiếp trong bối cảnh giá xăng dầu tăng liên tục đặt ra vấn đề với nhà điều hành: Tại sao lại không sử dụng quỹ và liệu quỹ bình ổn xăng dầu có thực sự phát huy được hết vai trò kiềm chế đà tăng giá liên tục trong thời gian qua hay không?
Theo dữ liệu của Tuổi trẻ Online, chỉ riêng hai mặt hàng xăng RON95 và dầu diesel, giá đã tăng liên tục trong nhiều tháng qua. Mỗi lít xăng RON95 đã tăng liên tục trong 6 kỳ điều hành, từ mức 21.420 đồng lên mức giá hiện nay là vượt 24.600 đồng. Kể từ tháng 6 tới nay dầu diesel có hai lần giảm giá nhưng đã tăng tới 7 lần.
Trong khi đó, mức chi sử dụng quỹ bình ổn từ đầu năm đến nay đã gần như không được duy trì. Mặt hàng RON95 và E5RON92 chỉ chi sử dụng một vài kỳ vào tháng 1; mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa chi sử dụng duy nhất vào đầu tháng 8 và mặt hàng dầu mazut có ba kỳ chi quỹ.
Theo đó, có 3 lần chi với RON 95-III và E5RON92, lần lượt 1.453 đồng và 1.321 đồng; chỉ có 1 lần chi với dầu diesel là 300 đồng; dầu hỏa 400 đồng và 3 lần chi với dầu mazut 850 đồng.
Trong khi đó, theo số liệu ước tính từ báo cáo của các thương nhân đầu mối, tính tới 31/7, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu trên 7.438 tỷ đồng. Đây là mức tăng mạnh so với số dư được công bố hồi cuối năm ngoái là 4.600 tỷ đồng. Số dư tăng mạnh là do liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục trích lập vào quỹ, trong khi mức chi ra "nhỏ giọt".
Theo các chuyên gia, quỹ bình ổn xăng dầu cần phát huy đúng vai trò giúp bình ổn giá trên thị trường, kiềm chế giá khi có biến động tăng liên tục. Mặc dù từ nay đến cuối năm giá xăng dầu có xu hướng tăng, nhưng việc chi sử dụng quỹ cần đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp, tránh tình trạng giá tăng liên tục như thời gian qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận