Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Phải chăng “sứ mệnh” đã kết thúc?
Phải chăng, “sứ mệnh” của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hết và nên thay thế bằng Quỹ bình ổn hiện vật?
Bộ Tài chính mới đây đã công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, tính tới cuối quý II/2024. Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối quý II là 6.061 tỷ đồng. Nhưng cũng có những công ty công ty bị “âm”, trong đó PV Oil âm hơn 138 tỷ đồng… Do đó, một lần nữa, việc sử dụng Quỹ bình ổn thế nào, giữ hay bỏ lại được đặt ra.
Khách quan mà nói, không phải mặt hàng nào cũng thuộc diện được can thiệp bình ổn giá và xăng dầu nằm trong số ít đó. Sự ra đời và tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đương nhiên có ý nghĩa nhất định với từng giai đoạn quản lý giá mặt hàng nhạy cảm này.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, Quỹ bình ổn bản chất là sự can thiệp bằng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm cao với thị trường. Sự can thiệp mang tính hành chính dù với mục đích gì đi nữa cũng đều khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, làm méo mó tính chất thị trường của hàng hóa theo chủ trương nền kinh tế thị trường.
Tính chất giai đoạn đó càng thấy rõ hơn trong thực tiễn khi từ đầu năm 2024 đến nay, giá xăng tăng 20 lần, giảm 21 lần; dầu diesel có 18 lần tăng và 21 lần giảm. Tức là, việc tăng giảm giá là ở thế cân bằng và giá xăng dầu từ đầu năm tới nay không nhiều biến động, nên Quỹ bình ổn “bất động”.
Hơn nữa, nguồn của Quỹ bình ổn thực chất là tiền của người tiêu dùng góp vào, có nghĩa là tiền của túi người này nhưng người khác quản lý mà lại thiếu cơ chế giám sát. Chính sự bất cập này đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường thời gian qua. Những vụ việc liên quan đến sai phạm trong sử dụng Quỹ bình ổn tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà... làm bất bình dư luận đã cho thấy điều đó.
Xin được dẫn lời của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khi trao đổi về vấn đề này, đó là: “Trong quá trình thực hiện, Quỹ đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường. Vì Quỹ để tại các các doanh nghiệp nên có lúc bị sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật…”. Có điều, vị chuyên gia cũng khuyến cáo thêm rằng, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Bởi hiện nay chúng ta còn phụ thuộc vào thế giới. Quỹ bình ổn hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết.
Do đó, các nhà quản lý phải nghiêm túc xem xét việc duy trì hay bỏ Quỹ và thực hiện các biện pháp liên quan như giảm bớt gánh nặng thuế, phí với xăng, dầu mới thực sự giúp “bình ổn” đời sống người dân trong “cơn bão giá”.
Còn về lâu dài, cơ quan quản lý cần làm trong sạch thị trường, giảm bớt chi phí trung gian, loại bỏ những doanh nghiệp đầu mối tư nhân được cấp phép kinh doanh xăng dầu nhưng không thực hiện đầy đủ hạn mức phân giao theo quy định. Đồng thời quy định rõ về việc cho phép thương nhân đầu mối trực tiếp lấy xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Làm tốt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thêm khoản chi phí trung gian, phải mua lại qua đầu mối, giúp chi phí giá bán lẻ xăng dầu giảm.
Quan trọng hơn, khi nguồn đầu mối ổn định thì cũng giúp các nhà máy lọc dầu trong nước ổn định đơn hàng, yên tâm sản xuất và bài toán về “Quỹ bình ổn bằng hiện vật” như chuyên gia khuyến cáo nói trên sẽ không phải vấn đề lớn đối với chúng ta. Hơn nữa, cơ quan quản lý cũng giám sát trực tiếp được hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu thay vì chỉ nắm được doanh nghiệp đầu mối như hiện nay…v.v.
Có thể nói, Quỹ bình ổn giá xăng dầu - một công cụ hành chính mà cả doanh nghiệp, giới chuyên gia và người dân còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là đề xuất “bỏ, vậy thì cơ quan quản lý cũng nên nghiêm túc lắng nghe, xem lại vai trò và sự tồn tại của Quỹ. Phải chăng, “sứ mệnh” của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hết và nên thay thế bằng Quỹ bình ổn hiện vật?
Đã là kinh tế thị trường thì giá cả thấp hay cao là do sự điều tiết của quy luật thị trường. Chớ có làm ngơ để cho giá của những mặt hàng mang tính thiết yếu mà lại độc quyền như xăng dầu, điện…muốn “nhảy múa” khi nào cũng được. Làm vậy không khác gì chuyện chúng ta dung túng cho “lợi ích nhóm” phát triển
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận