Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam có hiệu quả ra sao?
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong nền kinh tế Việt Nam, mặt hàng xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì hầu hết các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đều cần đến xăng dầu (làm nhiên liệu cho phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, sản xuất năng lượng)...
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê: chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí sản xuất toàn nền kinh tế; chi cho xăng dầu chiếm 1,5% tổng tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng đầu năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giá xăng dầu tăng 45,33% và góp phần làm tăng 1,63 điểm phần trăm của CPI (trong 8 tháng đầu năm 2022, mức tăng giá xăng dầu chiếm 63,18% mức tăng CPI của Việt Nam); cứ tăng 10% giá xăng dầu sẽ làm CPI tăng thêm 0,36 điểm phần trăm…
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
KẾT QUẢ CỦA CÁC BIỆN PHÁP BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU
Theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (BOG).
Để BOG xăng dầu, các cơ quan chức năng có thể hướng dẫn, tổ chức thực hiện 7 nhóm biện pháp như sau: (i) Thực hiện biện pháp nhằm tăng/giảm cung xăng dầu trên thị trường (điều tiết nhập khẩu hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia…);
(ii) Các biện pháp về tài chính (tăng/giảm thuế hoặc hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế…);
(iii) Lập và sử dụng quỹ BOG xăng dầu; (iv) Yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đăng ký giá;
(v) Kiểm tra yếu tố hình thành giá xăng dầu; (vi) Công bố giá cơ sở xăng dầu (là giá tối đa) để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự công bố giá bán lẻ xăng dầu của mình;
(vii) Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật (kiểm tra hoạt động của các thương nhân đầu mối, đại lý bán lẻ xăng dầu, nhằm chống tình trạng “găm” hàng, đợi điều chỉnh tăng giá…).
Thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao liên tục, các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn chưa được trao quyền tự định giá, Nhà nước vẫn phải áp dụng linh hoạt các biện pháp điều hành giá để góp phần BOG.
Cụ thể: (i) Liên Bộ Công Thương – Tài chính thực hiện điều chỉnh giá cơ sở của xăng dầu 10 ngày/lần (trước ngày 2/1/2022 là 15 ngày/lần), các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được bán xăng dầu với giá cao hơn mức giá cơ sở này;
(ii) Liên Bộ tăng cường sử dụng quỹ BOG xăng dầu để hạn chế sự tăng giá rất mạnh của giá xăng dầu thế giới tác động vào giá xăng dầu trong nước;
(iii) Sử dụng thêm các công cụ thuế (giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022 và ngày 11/7/2022), phí… nhằm BOG xăng dầu.
Nhờ những biện pháp điều hành này, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam từ năm 2018 đến nay đã được bình ổn hơn khá nhiều so với sự biến động mạnh của giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Cụ thể, từ bảng 1 cho thấy một số điểm nổi bật như sau:
(1) Năm 2019 so với năm 2018, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm từ 7,80 - 11,88% (dòng 9, bảng 1). Mặc dù ở Việt Nam năm 2019 dùng 732,019 tỷ đồng từ quỹ BOG để bù cho giá bán lẻ xăng dầu (bảng 2), nhưng do tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ ngày 1/1/2019 (tăng 1.000 VND/lít đối với xăng, 500VND/lít đối với diesel, 1.100VND/kg đối với mazut…), nên giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam lại tăng 0,3% hoặc chỉ giảm 3,55%.
Nếu loại trừ tác động của tăng thuế BVMT từ ngày 1/1/2019 thì hoạt động BOG đã có tác dụng làm cho năm 2019 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 0,39 điểm phần trăm, diesel tăng 0,47 điểm phần trăm, mazut tăng 3,57 điểm phần trăm (dòng 10.1 bảng 1) so với sự thay đổi tương ứng của giá thế giới.
Nếu loại trừ việc trích và sử dụng quỹ BOG xăng dầu trong năm 2019 thì hoạt động BOG có tác dụng làm cho năm 2019 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 0,01 điểm phần trăm, diesel tăng 0,51 điểm phần trăm, mazut tăng 3,76 điểm phần trăm (dòng 10.1 bảng 1) so với sự thay đổi tương ứng của giá thế giới.
(2) Năm 2020 so với năm 2019, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới giảm từ 35,02 - 38,28% (dòng 11, bảng 1), nhưng do ở Việt Nam tăng trích quỹ BOG xăng dầu (chênh lệch giữa trích và sử dụng quỹ BOG năm 2020 là 6.436,383 tỷ VND) nên giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ giảm 22,94 - 25,13%, tức là hoạt động BOG có tác dụng làm cho năm 2020 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng tăng 14,02 điểm phần trăm, diesel tăng 13,14 điểm phần trăm, mazut tăng 11,36 điểm phần trăm (dòng 11.1, bảng 1) so với sự thay đổi tương ứng của giá thế giới.
Nếu loại trừ việc trích và sử dụng quỹ BOG xăng dầu trong năm 2020 thì hoạt động BOG có tác dụng làm cho năm 2020 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng chỉ tăng 12,90 điểm phần trăm, diesel tăng 10,18 điểm phần trăm, mazut tăng 11,81 điểm phần trăm (dòng 11.1, bảng 1) so với sự thay đổi tương ứng của giá thế giới.
(3) Năm 2021 so với năm 2020, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng từ 57,58 - 74,58% (dòng 12, bảng 1), nhưng do ở Việt Nam đẩy mạnh các biện pháp BOG xăng dầu (năm 2021 sử dụng 8.322,36 tỷ VND từ quỹ BOG để bù cho giá bán lẻ xăng dầu…) nên giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ tăng 25,68 - 36,59%, tức là hoạt động BOG có tác dụng làm cho năm 2021 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 42,68 điểm phần trăm, diesel giảm 31,9 điểm phần trăm, mazut giảm 30,83 điểm phần trăm (dòng 12.1, bảng 1) so với sự tăng tương ứng của giá thế giới.
Nếu loại trừ việc trích và sử dụng quỹ BOG xăng dầu trong năm 2021 thì hoạt động BOG có tác dụng làm cho năm 2021 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 38,16 điểm phần trăm, diesel giảm 24,39 điểm phần trăm, mazut giảm 29,36 điểm phần trăm (dòng 12.1, bảng 1) so với sự tăng tương ứng của giá thế giới.
(4) Quý 1/2022 so với quý 1/2021, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới vẫn tăng khá mạnh: từ 55,49 - 79,79% (dòng 13, bảng 1), nhưng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ tăng 40,43 - 54,76%, bởi vì Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp BOG xăng dầu (quý 1/2022 sử dụng 1.069,641 tỷ VND từ quỹ BOG để bù cho giá bán lẻ xăng dầu…).
Nghĩa là hoạt động BOG có tác dụng làm cho quý 1/2022 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 22,02 điểm phần trăm, diesel giảm 25,03 điểm phần trăm, mazut giảm 15,05 điểm phần trăm (dòng 13.1, bảng 1) so với sự tăng tương ứng của giá thế giới.
Nếu loại trừ việc trích và sử dụng quỹ BOG xăng dầu trong quý 1/2022 thì hoạt động BOG có tác dụng làm cho quý 1/2022 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 27,63 điểm phần trăm, diesel giảm 28,75 điểm phần trăm, mazut giảm 21,97 điểm phần trăm (dòng 13.1, bảng 1) so với sự tăng tương ứng của giá thế giới.
(5) Quý 2/2022 so với quý 2/2021, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới vẫn tăng rất mạnh: từ 70,57 - 110,62% (dòng 14, bảng1), nhưng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam chỉ tăng 47,12 - 80,40%.
Lý do chủ yếu là từ ngày 1/4/2022 Việt Nam thực hiện giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa (từ 1/4/2022 mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, trừ etanol là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít...); bên cạnh đó, liên Bộ Công Thương – Tài chính còn tăng cường trích và hạn chế sử dụng quỹ BOG xăng dầu để bù cho phần quỹ bị âm vì đã sử dụng quá nhiều trong quý 1/2022 (chênh lệch giữa trích và sử dụng quỹ BOG trong quý 2/2022 là 481,081 tỷ VND).
Tức là hoạt động BOG có tác dụng làm cho quý 2/2022 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 32,73 điểm phần trăm, diesel giảm 30,22 điểm phần trăm, mazut giảm 23,45 điểm phần trăm (dòng 14.1, bảng 1) so với sự tăng tương ứng của giá thế giới.
Nếu loại trừ việc trích và sử dụng quỹ BOG xăng dầu trong quý 2/2022 thì hoạt động BOG có tác dụng làm cho quý 2/2022 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 28,91 điểm phần trăm, diesel giảm 27,8 điểm phần trăm, mazut giảm 19,66 điểm phần trăm (dòng 14.1, bảng 1) so với sự tăng tương ứng của giá thế giới.
(6) Quý 2/2022 so với quý 2/2021, nếu loại trừ tác động của giảm thuế BVMT từ ngày 1/4/2022 thì hoạt động BOG đã có tác dụng làm cho năm 2022 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 21,45 điểm phần trăm, diesel giảm 22,75 điểm phần trăm, mazut giảm 15,74 điểm phần trăm (dòng 15.1 bảng 1) so với sự thay đổi tương ứng của giá thế giới.
Nếu loại trừ việc trích và sử dụng quỹ BOG xăng dầu trong quý 2/2022 thì hoạt động BOG có tác dụng làm cho quý 2/2022 ở Việt Nam giá bán lẻ xăng giảm 28,91 điểm phần trăm, diesel giảm 27,8 điểm phần trăm, mazut giảm 19,66 điểm phần trăm (dòng 15.1 bảng 1) so với sự thay đổi tương ứng của giá thế giới.
VAI TRÒ CỦA QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU
Từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra một số nhận xét, đánh giá như sau:
(1) Nhìn chung, hoạt động BOG xăng dầu ở Việt Nam thời gian qua đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận. Biểu hiện rõ nét nhất là khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng rất mạnh (từ tháng 5/2020 – 6/2022…), giá xăng dầu ở Việt Nam thường thấp hơn từ 15 – 42 điểm phần trăm so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới (biểu đồ 1); khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm khá mạnh (từ tháng 1 - 4/2020…), giá xăng dầu ở Việt Nam thường cao hơn từ 11 – 14 điểm phần trăm so với mức giảm của giá xăng dầu thế giới.
Điều này có nghĩa là giá xăng dầu ở Việt Nam thời gian qua có diễn biến ổn định hơn, không phải chịu những biến động quá lớn như giá xăng dầu thế giới. Đạt được kết quả này là do một số biện pháp chủ yếu sau:
Các cơ quan, đơn vị chức năng giữ vai trò chính trong công tác BOG xăng dầu (Quốc hội, Chính phủ, liên Bộ Công Thương – Tài chính, các thương nhân kinh doanh xăng dầu…) đã làm việc chủ động, có trách nhiệm cao, đưa ra những giải pháp đủ mạnh và kịp thời giữ cho giá xăng dầu được ổn định.
Góp phần lớn nhất cho công tác BOG xăng dầu ở Việt Nam thời gian qua là biện pháp điều hành giá xăng dầu của các cơ quan chức năng thông qua việc công bố giá cơ sở của xăng dầu 10 ngày/lần (trước ngày 2/1/2022 là 15 ngày/lần), các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được bán xăng dầu với giá cao hơn mức giá cơ sở này.
Chính việc đưa ra mức giá trần xăng dầu là giá “trung bình trượt” của 10 (hay 15) ngày trước đó đã có tác dụng giữ ổn định giá xăng dầu trong nước rất mạnh trước sự biến động rất lớn (đôi khi biến động theo giờ) của giá xăng dầu thế giới.
Tiếp theo đó là sự can thiệp kịp thời của Bộ Công Thương (yêu cầu các thương nhân gấp rút nhập khẩu thêm xăng dầu thành phẩm; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu để chống tình trạng “găm” hàng, đợi điều chỉnh tăng giá…) nhằm giữ đủ nguồn cung ứng xăng dầu ra thị trường. Động thái này đã giúp nền kinh tế hoạt động bình thường mà không bị thiếu xăng dầu, thị trường xăng dầu sớm đi vào ổn định.
Việt Nam đã có nguồn dự trữ xăng dầu (hiện nay dự trữ quốc gia đáp ứng được khoảng 6,5 ngày tiêu thụ; dự trữ thương mại của các thương nhân kinh doanh xăng dầu quy định là 20 ngày cung ứng…), cho nên sẽ có tác dụng BOG xăng dầu ở mức độ đáng kể.
Tác động của quỹ BOG xăng dầu đã giúp cho giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam không bị tăng quá mạnh (bằng cách giảm trích và tăng sử dụng quỹ) hoặc giảm quá nhanh (bằng cách tăng trích và giảm sử dụng quỹ) khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh.
Các cơ quan chức năng đã kịp thời làm thủ tục đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt giảm thuế BVMT đối với xăng dầu trước bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng rất mạnh. Động thái này đã giúp giảm giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam rất rõ…
(2) Trong hệ thống các biện pháp BOG xăng dầu ở Việt Nam hiện nay, qua những phân tích và tính toán ở bảng 1 cho thấy mặc dù đã có những đóng góp nhất định, nhưng vai trò của quỹ BOG xăng dầu không quá lớn, không phải là nhân tố quyết định kết quả cuối cùng của hoạt động BOG xăng dầu (đôi khi kết quả cuối cùng của hoạt động BOG xăng dầu lại trái ngược với xu thế mà quá trình vận hành quỹ BOG muốn hướng tới). Cụ thể:
Năm 2021 so với năm 2020, do năm 2021 sử dụng 8.322,36 tỷ VND từ quỹ BOG để bù cho giá bán lẻ xăng dầu…), nên giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam tăng ít hơn tốc độ tăng của giá thế giới khá nhiều. Riêng tác dụng của việc sử dụng quỹ BOG này đã khiến cho giá bán lẻ xăng giảm 778 VND/l, diesel giảm 1.054 VND/l, mazut giảm 176 VND/kg (dòng 12.21, bảng 1) so với giá bán ở Việt Nam nếu không sử dụng quỹ BOG...
Tuy nhiên, trong trường hợp quý 1/2022 so với quý 1/2021, do quý 1/2022 sử dụng 1.069,641 tỷ VND từ quỹ BOG để bù cho giá bán lẻ xăng dầu…), nhưng kết quả cuối cùng lại là giá bán lẻ xăng tăng 1.173 VND/l, diesel giảm 636 VND/l, mazut tăng 988 VND/kg (dòng 13.21, bảng 1) so với giá bán ở Việt Nam nếu không sử dụng quỹ BOG...
Về bản chất, quỹ BOG xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả; quỹ do doanh nghiệp quản lý, việc sử dụng quỹ được cơ quan quản lý, điều hành giá xăng dầu quyết định.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, quỹ BOG xăng dầu chỉ thể hiện vai trò rõ rệt khi giá xăng dầu thế giới biến động không quá mạnh, số dư của quỹ đủ lớn để BOG xăng dầu trong nước tới khi giá xăng dầu thế giới trở về trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, việc quản lý quỹ BOG xăng dầu cũng rất phức tạp và bị nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu thụ xăng dầu phản đối…
Vì vậy, đề xuất trong thời gian tới không nên duy trì quỹ BOG xăng dầu. Trong trường hợp cần điều tiết giá xăng dầu, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như: cố định hóa các khoản thu của ngân sách nhà nước đối với xăng dầu, tức là thu thuế bằng số tiền cố định đối với mỗi đơn vị (lít, kg…) xăng dầu cụ thể; tăng cường dự trữ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và có giá vốn xăng dầu ổn định; công bố giá cơ sở với giá trung bình trượt có thời gian dài hơn nữa (thời gian càng dài thì giá xăng dầu trong nước sẽ càng ổn định hơn), điều này cũng có nghĩa là lượng dự trữ xăng dầu bắt buộc đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm cung ứng lớn hơn.
* Những ý kiến nêu trong bài viết này chỉ là quan điểm của tác giả, không đại diện cho cơ quan, tổ chức nào.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận