Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã "hết phép", không nước nào duy trì ngoài Việt Nam!
Quỹ Bình ổn xăng dầu bắt buộc người dân nộp tiền bình ổn cho mình… Doanh nghiệp vừa bán xăng dầu nhưng vẫn phải gánh khoản âm quỹ bình ổn, chịu lỗ bù giá xăng.
Có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến cơ chế quản lý méo mó, rủi ro, không mang tính thị trường!
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Thông lệ các quốc gia trên thế giới có điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, không còn nước nào duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cả.
Chia sẻ với PV Dân Việt về những vấn đề liên quan đến đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Bộ Tài chính trong dự thảo Luật Giá sửa đổi đang được lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định, ông Tuấn khẳng định, việc bỏ quỹ là phù hợp với quy luật vận động và giá xăng dầu theo hướng thị trường.
Dù thừa nhận tính lịch sử và vai trò tác động của Quỹ Bình ổn trong giá xăng dầu trong nhiều năm qua, tuy nhiên, thời điểm hiện tại đại diện VCCI thừa nhận quỹ đã lỗi thời với các cơ chế hoạt động của nó. "Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay của Việt Nam thực tế là hình thức bắt người dân nộp tiền để bình ổn cho mình. Nhà nước thực tế không bỏ ra nguồn lực nào cả", ông Tuấn cho hay.
Theo đại diện VCCI, hiện nhà nước vẫn thu đủ thuế, phí các loại từ xăng dầu nhưng rủi ro lại dồn gánh cho doanh nghiệp. Khi quỹ xả nhiều, âm quỹ, giá xăng doanh nghiệp bán lỗ, thiếu vốn lại phải đi vay ngân hàng và chịu lãi suất, sau này khấu trừ. Rất phức tạp!
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Cơ chế này dẫn đến tình trạng buộc doanh nghiệp phải gánh khoản âm quỹ, chịu lỗ để bù giá.
Đại diện VCCI cho biết: "Dù Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có tách khoản âm quỹ này (và lãi suất đi vay) ra riêng và doanh nghiệp có đỡ hơn trước nhưng số âm quỹ này doanh nghiệp phải chịu là rất lớn. Đáng nói, Quỹ Bình ổn xăng dầu giai đoạn đầu năm 2022 này đã âm rất lớn".
"Với cách quản lý này nên xăng dầu trong nước chưa vận hành theo cơ chế thị trường minh bạch và chưa dễ tiên liệu, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới".
Ông Tuấn khẳng định, thời gian vừa qua có tình trạng giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng trong nước tăng nhanh hoặc sẽ tăng chậm theo mong muốn của nhà điều hành. Ngược lại khi giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm tương ứng vì bị neo giá trong nước ở mức cao, lấy thặng dư này để bù vào âm Quỹ. Cái này nó chưa phù hợp với thị trường.
Theo Phó Tổng thư ký VCCI, VCCI và cá nhân ông tiếp nhận phản ánh từ doanh nghiệp, họ cho biết nguồn cung xăng dầu căng thẳng trong thời gian tháng 2 - 3/2022 vừa rồi không hẳn do thiếu xăng dầu thiếu mà do lợi ích của các doanh nghiệp trong mạng lưới xăng dầu không được đảm bảo, họ bán nhưng với chiết khấu bằng 0, càng bán càng lỗ.
Theo ông Tuấn, khi quản lý nhà nước vừa phải nhìn vào giá vừa phải lưu ý xả quỹ, vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ khiến cơ chế quản lý xăng dầu hiện nay là không thể đảm bảo được nguồn cung xăng dầu tốt. "Cơ chế quản lý xăng dầu không đảm bảo được nguồn cung tốt, khiến hệ thống bán lẻ và phân phối xăng dầu hoạt động chưa theo động lực từ thị trường, méo mó và rủi ro", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cách vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bắt họ chịu lỗ, mất vốn mà vẫn phải làm tròn trách nhiệm. Điều này có thể chưa phù hợp với quy định về bảo toàn vốn nhà nước, chưa đúng với tinh thần tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận