Quỹ bình ổn dư cả nghìn tỉ đồng vẫn để giá xăng dầu tăng liên tiếp
Dù giá xăng dầu tăng liên tiếp trong những kỳ điều chỉnh gần đây, tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định, cơ quan điều hành sẽ khó chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu - dù quỹ này đang dư cả nghìn tỉ đồng.
Giá xăng tiếp tục tăng
Theo điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, chiều 28.3, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng 530 đồng, lên 24.810 đồng một lít; E5 RON 92 thêm 410 đồng, lên 23.620 đồng một lít. Tuy nhiên, các mặt hàng dầu (trừ mazut) giảm, trong đó dầu diesel là 21.690 đồng một lít (giảm 320/lít); dầu hỏa có mức giá mới là 20.870 đồng (giảm 390 đồng/lít).
Tính từ ngày 4.1 đến nay, giá xăng có 8 lần tăng, 5 lần giảm. Còn dầu diesel có 7 lần tăng, 6 giảm. Tổng cộng, mỗi lít RON 95-III đắt hơn 2.900 đồng, còn dầu thêm 1.330 đồng so với đầu năm.
Mặc dù giá xăng tăng liên tục, tuy nhiên, trong các kỳ điều chỉnh gần đây, cơ quan điều hành là Liên bộ Công Thương - Tài chính không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trừ dầu mazut được trích lập 300 đồng/kg ở lần điều chỉnh gần đây.
Trong khi thông tin từ Bộ Tài chính phát ra ngày 26.3 - cho biết, tính đến quý cuối 2023, số dư trên Quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng hơn 6.655 tỉ đồng; so với năm 2022, số dư quỹ cao hơn khoảng 2.000 tỉ đồng.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát - cho hay, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu hiện chưa thể trông chờ vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi việc không trích quỹ bình ổn là thực hiện theo quy định của thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính về mức chi Quỹ bình ổn xăng dầu.
Theo đó, Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ được liên bộ sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Do vậy, dù giá xăng dầu tăng liên tục trong các kỳ điều hành gần đây nhưng mức tăng giá cơ sở của hầu hết các mặt hàng xăng dầu đều dưới 7%, nên không thể trích Quỹ bình ổn để kiềm giá xăng dầu.
Để kiềm chế đà tăng của giá xăng, ông Thắng cho rằng, cần giải pháp tổng thể và sự tham gia của cả quản lý Nhà nước lẫn cả hệ thống xăng dầu hiện nay. Trong đó, doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo đủ nguồn xăng dầu khi các chi phí nhập khẩu và chi phí bán buôn đã được tính đúng đủ.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cùng thương nhân phân phối xăng dầu đảm trách việc lưu thông xăng dầu trong nước liên tục và phù hợp, tránh tích trữ gây mất cân đối nguồn xăng dầu. Người tiêu dùng không hoang mang, tâm lý tích trữ xăng dầu, gây khan hiếm cục bộ dẫn đến giá xăng dầu sẽ bị kéo tăng.
Các kịch bản cho thị trường xăng dầu trong năm 2024
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - cho rằng, có nhiều yếu tố tác động lên diễn biến giá dầu trong năm 2024. Trong đó, căng thẳng chính trị và chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy giá dầu lên nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ ít đi có thể khiến giá chững hoặc đi xuống.
Kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng nhu cầu yếu, OPEC+ sẽ duy trì chính sách sản lượng thấp hoặc thậm chí sẽ cắt giảm thêm để hỗ trợ giá dầu. Kịch bản thứ hai - kịch bản xấu nhất, nếu căng thẳng mở rộng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu, khả năng giá dầu vượt 100USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.
"Là quốc gia nhập khẩu xăng dầu, xu hướng giá xăng dầu trong nước năm 2024 sẽ bám sát với những biến động giá trên thế giới. Trong năm 2024, giá xăng dầu nội địa nhích nhẹ vào đầu năm, khi tác động cắt giảm sản lượng của OPEC+ và căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ ảnh hưởng tới giá toàn cầu.
Nhưng xét tổng thể cả năm 2024, cung cầu sẽ tương đối cân bằng, giá dầu sẽ tiếp tục ổn định và có thể tương đương với mức trung bình của năm 2023 vừa qua. Hơn nữa, năm 2024 sẽ ít khả năng giá xăng dầu trong nước tăng vọt bất thường như năm 2022" - ông Quỳnh nói.
Còn về yếu tố trong nước, theo ông Quỳnh, việc ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong dài hạn, đây chính là giải pháp hữu hiệu để giúp ổn định cung cầu và giá xăng dầu trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận