Quốc tế "thán phục" về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam
Truyền thông quốc tế cho rằng dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng từ cuối năm 2021, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, thương mại xuất khẩu đạt kết quả vượt bậc.
Trang hk01.com ngày 27/4 dẫn lời ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu, mặc dù dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất có khả năng tăng trưởng.
CNN vừa có bài viết với tiêu đề “Vốn đầu tư nước ngoài đang bỏ rơi Trung Quốc, cuộc chiến Nga-Ukraine là cọng rơm cuối cùng”, trong đó đề cập tới các yếu tố như địa chính trị, phong tỏa và việc Mỹ tăng lãi suất đã đẩy nhanh việc vốn nước ngoài bỏ rơi Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà sản xuất quốc tế. Ngoài các thương hiệu như Samsung, Intel, LG, ngày càng nhiều công ty điện tử chuyển sản xuất đến Việt Nam sau dịch COVID-19 như Luxshare, Pegatron, Goertek… Dự kiến, Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất chủ yếu của các công ty này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của China Business News, ông Trần Tĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chiến lược và khoa học công nghệ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết về mặt hàng điện tử, Việt Nam phần lớn là cơ sở lắp ráp chứ không phải cơ sở sản xuất. Điều này được phản ánh trong số liệu thương mại, mặc dù khối lượng thương mại lớn nhưng giá trị gia tăng công nghiệp rất thấp, lợi nhuận chủ yếu vẫn nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài.
Kim ngạch xuất khẩu tăng không phải là điều mới mẻ
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 là 34,71 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo trang China Business News, quý 1/2022, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện của Việt Nam vượt 27,3 tỷ USD, gần bằng mức xuất khẩu của nửa năm 2021 (cả năm là 57,54 tỷ USD).
Trong 10 năm qua, sự phát triển của Việt Nam không ảnh hưởng đến việc làm, xuất khẩu và ngoại thương của Trung Quốc. Việt Nam đã tái cấu trúc chuỗi ngành nghề, điều này thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển. Việt Nam nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu thô hoặc linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp và xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung-Việt năm 2021 lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7%. Thặng dư của Trung Quốc với Việt Nam là khoảng 45 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam liên tục được nâng cấp. Trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD. Xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã khiến những người trong các ngành liên quan ở Trung Quốc lo lắng. Tuy nhiên, Trần Tĩnh cho rằng không cần phải hoảng sợ. Ngoại thương của Việt Nam vẫn theo kiểu lắp ráp và xuất khẩu, giá trị gia tăng rất thấp, giá trị vẫn nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài và liệu với thực lực yếu thì các doanh nghiệp trong nước có thể nâng tầm trong tương lai hay không vẫn còn cần quan sát. Việc nâng cấp ngành nghề đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn chứ không đơn giản là vấn đề thời gian.
Kinh tế Việt Nam đã ổn định và phục hồi từ quý 4/2021 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và quyết định “bình thường hóa dịch bệnh”. Trong năm nay, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài điện tử, ngành dệt may sử dụng nhiều lao động và gỗ cũng đang hoạt động tốt. Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán kinh tế của Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý 2/2022. Đáng chú ý, ngày 15/3, Việt Nam đã nối lại hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế. Động thái này cũng sẽ giúp ích cho sự trở lại của các nhà quản lý kỹ thuật quốc tế và ngành sản xuất của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận