Quốc hội vừa thông qua 2 đạo luật quan trọng, tỷ lệ tán thành trên 90%
Sáng 13/6, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành lần lượt là 91,32% vào 90,7%.
Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế
Theo đó, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được thông qua có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.
Đối tượng áp dụng của luật gồm: Người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nội dung quản lý thuế theo luật gồm: Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; quản lý thông tin người nộp thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ; kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế;…
Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được nêu tại Điều 27, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc quản lý thuế. Theo đó, các ngân hàng thương mại khi tham gia phối hợp thu thuế và thu khác thuộc ngân sách nhà nước có trách nhiệm: Phối hợp với cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; Truyền, nhận thông tin chứng từ nộp thuế điện tử, chuyển tiền thanh toán các khoản thu ngân sách nhà nước cho kho bạc nhà nước đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định; Hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình thực hiện nộp thuế điện tử; Bảo mật thông tin của người nộp thuế,...
Các ngân hàng cũng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản cho cơ quan quản lý thuế; Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
Ngoài ra, trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt các khoản thu Ngân sách nhà nước khác theo quy định của luật này nhưng người nộp thuế không nộp đúng thời hạn thì ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu ngân sách nhà nước khác thay cho người nộp thuế.
Một quy định đáng chú ý nữa của Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này là quy định rõ về thẩm quyền khoanh, xoá nợ thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền được xoá khoản nợ thuế quá hạn 10 năm, không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp. Thẩm quyền này với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là mức 5-10 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính được quyền xoá nợ thuế với khoản nợ quá hạn 10-15 tỷ đồng và trên 15 tỷ đồng thuộc quyền của Thủ tướng.
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020. Riêng các quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử sẽ có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ tháng 7/2022.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: VGP
Phân cấp mạnh hơn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công cho bộ, ngành, địa phương
Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có 6 chương với 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Đối tượng đầu tư công theo quy định của luật gồm: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội. Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư. Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch…
Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, luật quy định, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) đó là phân cấp mạnh hơn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công cho bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, bộ, ngành, địa phương có quyền thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền phân bổ.
HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A của địa phương sử dụng bất kỳ loại vốn nào, gồm hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương. Quy định này đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, HĐND và tăng tính chủ động khi xử lý dự án dùng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.
Ngoài ra, luật sửa đổi cũng quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan liên quan với trình tự, thủ tục đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và đầu tư công.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận