Quốc hội Mỹ sắp xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Joe Biden
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực phi thường ở giờ chót nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 trước khi Quốc hội họp phiên toàn thể để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Việc xác nhận kết quả bỏ phiếu của Cử tri đoàn vào ngày 6/1 là thông lệ thường thấy ở nước Mỹ, nhưng lần này là một cuộc đối đầu chính trị chưa từng thấy kể từ sau Nội chiến bởi ông Trump đang dốc sức để tại vị.
Các đồng minh đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump ở Hạ viện và Thượng viện đều có kế hoạch phản đối kết quả bầu cử, dõi theo những người "đấu tranh cho ông Trump" khi ông Trump tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng.
Nỗ lực của ông Trump có thể sẽ thất bại bởi đa số thành viên lưỡng đảng trong Quốc hội chuẩn bị xác nhận kết quả bỏ phiếu chính thức của Cử tri đoàn. Theo đó, ông Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri, bỏ xa 232 phiếu dành cho Tổng thống Trump. Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
"Phần quan trọng nhất là cuối cùng thì Dân chủ sẽ thắng thế", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Amy Klobuchar của bang Minnesota cho biết.
Theo quy định, phiên họp toàn thể của Quốc hội Mỹ sẽ được tiến hành lúc 1 giờ chiều 6/1 (múi giờ miền Đông Bắc Mỹ - EST), hai tuần trước lễ chuyển giao quyền lực theo cách truyền thống một cách hòa bình, nhưng diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành nước Mỹ.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell, người đã quay lưng với Tổng thống Trump, dự kiến sẽ có bài phát biểu sớm về vấn đề này, trong khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang chuẩn bị các thủ tục ở phía Điện Capitol, đồng thời cho rằng đó là một ngày (ngày tuyên thệ nhậm chức) có "ý nghĩa lịch sử to lớn". Đây là về việc "đảm bảo sự tin tưởng vào hệ thống dân chủ của chúng ta", bà Nancy Pelosi viết trong bức thư gửi các cộng sự.
Bất chấp những tuyên bố liên tiếp của ông Trump về gian lận bầu cử, các quan chức bầu cử và các cựu tổng chưởng lý vẫn khẳng định không có vấn đề nào có thể thay đổi kết quả bầu cử. Tất cả các bang tại Mỹ, cũng như các quan chức hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã xác nhận rằng kết quả bầu cử tại các bang này là công bằng và chính xác.
Phó tổng thống Pence, người đóng vai trò chủ yếu trong nghi lễ nhậm chức, sẽ mở các phong bì niêm phong kết quả bầu cử của các bang và đọc to kết quả. Tuy nhiên, ông Pence đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Tổng thống Trump để đưa đẩy kết quả có lợi cho ông Trump, mặc dù cấp phó của ông không đủ sức chi phối kết quả bầu cử.
"Tôi hy vọng rằng Phó tổng thống tuyệt vời của chúng tôi sẽ vượt qua thách thức", ông Trump nói tại một cuộc biểu tình ở bang Georgia hồi đầu tuần. "Ông ấy (Pence - BTV) là một người tuyệt vời. Tất nhiên, nếu ông ấy không vượt qua thách thức, tôi sẽ không yêu quý ông ấy nhiều như trước".
Đây không phải lần đầu tiên các nhà lập pháp Mỹ thách thức kết quả. Đảng Dân chủ đã từng làm điều này vào năm 2017 và trước đó 12 năm là 2005, nhưng xem ra mức độ phản kháng của ông Trump về kết quả bầu cử lúc này xem ra không nhiều tác dụng. Thượng nghị sĩ Tim Scott, người từ chối tham gia nỗ lực ủng hộ ông Trump trước thêm phiên họp toàn thể của Quốc hội Mỹ cho rằng: "Không có biện pháp khả thi nào về mặt hiến pháp để Quốc hội lật ngược kết quả một cuộc bầu cử".
Dẫu vậy, hơn 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa do ông Josh Hawley ở bang Missouri và Ted Cruz ở bang Texas dẫn dắt, cùng với khoảng 100 nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện đang hối thúc phản đối thắng lợi của ông Joe Biden.
Theo quy định của phiên họp chung tại Quốc hội Mỹ, bất kỳ ý kiến phản đối nào đối với cuộc kiểm phiếu bầu cử ở các bang cần phải được ít nhất một thành viên của Hạ viện và một thành viên của Thượng viện đệ trình bằng văn bản để xem xét. Mỗi ý kiến phản đối sẽ được thảo luận hai giờ tại Hạ viện và Thượng viện và có thể kéo dài một ngày.
Dự kiến, các nhà lập pháp phe Cộng hòa tại Hạ viện sẽ ký phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở 6 bang, bao gồm: Arizona, Georgia, Nevada, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Arizona có thể sẽ là nơi đầu tiên bị tranh chấp vì đây là bang đầu tiên công bố kết quả bầu cử theo thứ tự bảng chữ cái.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết ông sẽ cùng các thành viên phe Cộng hòa tai Hạ viện phản đối kết quả bầu cử tại bang Arizona, trong khi thượng nghị sĩ Josh Hawley khẳng định ông sẽ phản đối kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania, gần như chắc chắn đảm bảo có cuộc tranh luận thứ hai kéo dài hai giờ đồng hồ, bất chấp sự phản đối từ thượng nghị sĩ Cộng hòa của bang này - Pat Toomey - người cho rằng kết quả chiến thắng của ông Biden là chính xác.
Còn nữ thượng nghị sĩ Kelly Loeffler sẽ phản đối kết quả bầu cử ở bang Georgia. Hiện chưa rõ liệu sẽ có thêm thượng nghị sĩ nào phản đối bất kỳ bầu cử ở các bang khác không, bởi các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang thiết lập chiến lược về điều này.
Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện, còn Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang bị chia rẽ về kết quả bầu cử và sự ủng hộ dành cho ông Trump. Đa số các nghị sĩ lưỡng đảng trong cả Hạ viện và Thượng viện sẽ bác bỏ thẳng thừng các ý kiến phản đối kết quả.
Nhóm thượng nghị sĩ do ông Ted Cruz dẫn dắt thề sẽ phản đối kết quả thắng cử của ông Biden, trừ khi Quốc hội Mỹ đồng ý thành lập một ủy ban điều tra bầu cử, nhưng điều này có vẻ khó xảy ra.
Đặc biệt, Tổng thống Trump đã thề sẽ "dốc sức chiến đấu" để tại vị. Tại cuộc biểu tình ở bang Georgia, ông Trump cho biết các đại cử tri bỏ phiếu cho ông Biden sẽ "không thể chiếm được Nhà Trắng".
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử cho biết họ đang cố gắng lên tiếng với các cử tri ở quê nhà, những người không tin kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2020 và muốn thấy các nhà lập pháp đấu tranh cho ông Trump.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận