Quốc hội giám sát tối cao việc huy động nguồn lực chống Covid-19
Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chống Covid-19 và thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chiều 6/6, với 88% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết về chương trình giám sát năm 2023. Nội dung giám sát tối cao về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực chống dịch sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2023).
Chuyên đề thứ hai Quốc hội giám sát tối cao năm 2023 là triển khai các nghị quyết của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2021-2025), giảm nghèo bền vững (2021-2025), phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (2021-2030).
Tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát của chuyên đề huy động nguồn lực chống dịch; tập trung vào thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách với nhân lực làm công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng. Có ý kiến cho rằng vấn đề huy động nguồn lực chống dịch đã được các cơ quan kiểm toán, thanh tra trong năm 2021.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ nhận thấy, hiệu quả của việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm. Đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn chuyên đề này (62%). Kết quả kiểm toán, thanh tra nội dung này là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở giám sát tối cao toàn diện hơn. Hơn nữa, công tác chống dịch thời gian qua bộc lộ nhiều vấn đề liên quan y tế cơ sở, y tế dự phòng, do đó việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ, góp phần hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, dự phòng.
Với chuyên đề giám sát thứ hai, có ý kiến đề nghị cân nhắc vì thời gian triển khai chưa nhiều, không có nhiều nội dung để xem xét, đánh giá. Thường vụ Quốc hội cho rằng các chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên đều được ban hành từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thời gian qua chậm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu của chương trình cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Vì vậy, lựa chọn chuyên đề này để Quốc hội giám sát tối cao là rất cần thiết, nhằm nhận diện đầy đủ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy chương trình.
Hai nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông và phát triển năng lượng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát năm 2023.
Trước đó ngày 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo Quốc hội kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống Covid-19, chỉ rõ hạn chế. Ủy ban Kinh tế đánh giá, công tác chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng. Năng lực y tế, nhất là cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế "xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận