Quốc hội cần có cuộc điều trần về dự án Cát Linh – Hà Đông
Đại biểu Quốc hội cho rằng, Quốc hội cần có cuộc điều trần để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Sau gần 10 năm kéo dài và gây tranh cãi vì vấn đề đội vốn, chậm tiến độ, mới đây dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận khi tổng thầu Trung Quốc đề nghị Việt Nam thanh toán 50 triệu USD. Theo nhà thầu Trung Quốc, số tiền này để tiến hành các thủ tục nghiệm thu, tiến tới việc vận hành, khai thác thương mại.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về dự án nhiều tai tiếng này.
Chưa kịp tự hào đã phải e ngại
Ông Hoàng Đức Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng có quá nhiều hệ lụy từ dự án Cát Linh - Hà Đông. “Lẽ ra đây là một niềm tự hào của người Hà Nội. Tuy nhiên chưa kịp tự hào thì nó lại trở thành nỗi e ngại của người dân. Đây là một trong những dự án trọng điểm của toàn quốc, nhận được sự quan tâm của người dân, nhưng thực tế lại như mũi tên xuyên qua trái tim người Hà Nội. Có quá nhiều hệ lụy và tranh cãi xung quanh công trình này.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng - đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.
Theo ông Thắng, chiều dài 13 km của dự án Cát Linh – Hà Đông được xây dựng đến 10 năm, trải qua 4 đời Bộ trưởng Bộ GTVT chính là "sự thách thức lòng kiên nhẫn của người dân thủ đô và cả nước”.
“Tôi không bàn về việc nhà thầu đòi trên 50 triệu USD để hoàn thành các hạng mục còn lại. Điều này thuộc về trách nhiệm của nhà thầu với chủ đầu tư, dựa trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết thì 2 bên sẽ xem xét. Tuy nhiên, việc đưa ra con số 50 triệu USD giống như một “điều kiện” của nhà thầu đối với chủ đầu tư. Thêm 50 triệu USD hay bao nhiêu thì câu hỏi vẫn là bao giờ dự án đi vào vận hành khai thác? Liệu đây đã là hồi kết để công trình được hoàn thành? Đó mới là điều quan trọng đáng bàn”, ông Thắng nêu câu hỏi.
“Nhân dân đã nghe quá nhiều lời hứa rồi từ Bộ GTVT, nhà thầu và các đời lãnh đạo. Điều họ mong muốn là thời gian để đưa vào vận hành, khai thác tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Chậm tiến độ thì đội vốn là đương nhiên. Tại sao lại như vậy và trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Vị đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm cần trả lời cụ thể trước nhân dân, Chính phủ và Quốc hội.
“Tôi hoàn toàn chia sẻ sự bức xúc với người dân, công luận. Tới đây, theo tôi, Quốc hội cần có cuộc điều trần về công trình gây tai tiếng này để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư như thế nào. Chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một bài học và chúng ta cần có cơ chế, quy định về thu hút đầu tư chứ không thể bất chấp tất cả. Công tác đấu thầu cũng cần được công khai minh bạch để tránh những khuất tất, hệ lụy về sau”, ông Thắng nhấn mạnh.
Không giải quyết sớm sẽ như bảo tàng ngân sách
Đây là ý kiến của đại biểu Thuận Hữu – đoàn ĐBQH Thành phố Hải Phòng về những bất cập tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo ông Thuận Hữu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông là điển hình của tình trạng dự án yếu kém, hàng nghìn tỷ đồng phải “đắp chiếu, trùm mền” gây bức xúc cử tri và dư luận.
ĐBQH Thuận Hữu - đoàn Hải Phòng.
Vị đại biểu này cho rằng, nếu không nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn tại dự án sẽ dẫn đến “tiền càng đắp chiếu càng mất, càng thất bại, mất lao động, mất cả cán bộ và mất rất nhiều thứ".
Gọi dự án này là “nhức nhối nhất”, là "nhát dao chém vào lòng tin của người dân", đại biểu Thuận Hữu cho rằng, nếu tính toán về thiệt hại thì “mỗi ngày mở mắt ra là mất một chiếc Toyota Camry”.
Đại biểu TP Hải Phòng cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu "không xử lý nhanh sẽ sớm biến thành bảo tàng đường sắt. Khách du lịch đến Hà Nội sẽ ghé xem đây như một bảo tàng về đường sắt". Từ thực trạng này, ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xử lý dứt điểm, không để kéo dài vì càng lâu càng gây thiệt hại.
Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, Chính phủ cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn gặp một số khó khăn do tổng thầu Trung Quốc chưa xác nhận được mốc hoàn thành.
Cụ thể, dự án đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác. Hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán. Ban quản lý dự án đường sắt đang phối hợp với tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn.
Đến nay dự án đã giải ngân hơn 14.737 tỉ đồng (đạt 81,9%). Đáng chú ý, tổng thầu Trung Quốc đề nghị Việt Nam chi 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định hợp đồng EPC.
Cũng theo Chính phủ, hiện nay do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.
Do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận