Quốc hội bàn cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, ngày 23/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
Về mô hình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương ở cấp thành phố và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo mô hình này, chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ còn UBND.
Cơ cấu tổ chức cũng được đổi mới. Theo đó, UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng và chỉ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường. UBND cấp trên sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND cấp dưới.
Một điểm mới nữa của mô hình thí điểm này là sẽ chỉ tổ chức một cấp ngân sách Thành phố, cấp quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của Thành phố thay vì 3 cấp ngân sách (Thành phố, quận, phường) như trước đây.
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật tán thành thí điểm mô hình chính quyền đô thị như trên. Trong thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cũng tán thành thí điểm mô hình này.
Chính phủ cũng đề nghị quy định phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch Thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị cho HĐND và UBND Thành phố. Về nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền Thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, vì nếu không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.
Nhiều đại biểu tán thành quan điểm của Ủy ban Pháp luật. Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) trong thảo luận cho rằng, Quốc hội đã phải mất tới 3 kỳ họp mới thông qua được luật Quy hoạch. Mục đích của luật là để nâng cao chất lượng quy hoạch, ngăn ngừa tình trạng liên tục điều chỉnh quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy.
Theo luật Quy hoạch, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch được thống nhất giao cho Thủ tướng Chính phủ. Do đó nếu cần, việc giao quyền cho HĐND và UBND Thành phố Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch vẫn có thể thực hiện khi Thủ tướng có văn bản ủy quyền thực hiện, chứ không nên đưa vào dự thảo Nghị quyết.
Về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho chính quyền Thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong Nghị quyết. Đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhưng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, quy hoạch của Thành phố là nội dung rất quan trọng, cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch vùng, quy hoạch chung quốc gia. Do đó thống nhất “rút” quy định về việc này, chỉ giữ quy định giao quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ cho Thành phố vì đây là quy hoạch cấp dưới, lại thường xuyên thay đổi nên có thể linh hoạt giao quyền để Thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận