Quốc gia nào đang dẫn đầu tăng trưởng ở châu Âu?
Hơn một thập kỷ sau chính sách thắt lưng buộc bụng đau đớn, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều quốc gia khác vốn dẫn đầu tăng trưởng ở châu Âu.
Vào ngày 30/4, dữ liệu kinh tế mới cho thấy sản lượng kinh tế quý 1/2023 của khối đồng tiền chung euro (Eurozone) đã tăng 0,3% so với quý trước, theo cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu, Eurostat. Kết quả này tốt hơn đáng kể so với đợt suy giảm 0,1% trong cả quý 3 và quý 4 năm ngoái của Eurozone.
Điều đáng nói, bức tranh kinh tế châu Âu đang diễn ra hai thái cực. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang kéo sức mạnh kinh tế khu vực đi xuống. Nước này đã chứng kiến tăng trưởng dương đầu tiên vào quý 1/2024 sau nhiều tháng vật lộn với suy thoái, với mức tăng trưởng 0,2%. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tăng trưởng gấp ba lần tốc độ đó, cho thấy một thái cực tươi sáng hơn.
Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vươn lên
Trong năm 2012, các quốc gia phía Nam châu Âu gần như "kiệt sức" vì khủng hoảng kinh tế. Hàng loạt các quốc gia trước nguy cơ vỡ nợ đã đe dọa làm tan rã khu vực đồng euro. Các gói cứu trợ kèm điều kiện thắt lưng buộc bụng được đưa ra, khiến các quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha phải mất nhiều năm để phục hồi.
Sau nhiều năm khắc nghiệt, các nước Nam Âu đã thực hiện những thay đổi quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư, phục hồi tăng trưởng và xuất khẩu cũng như đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã tăng gấp đôi nền kinh tế dịch vụ - đặc biệt là du lịch. Đây đã từng và nay lại trở thành động lực giúp tạo ra doanh thu kỷ lục cho các nước kề bờ biển Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, gói kích thích trị giá 800 tỷ euro do Liên minh châu Âu triển khai cũng để giúp các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng gấp đôi mức trung bình của khu vực đồng euro vào năm ngoái, nhờ đầu tư ngày càng tăng từ các công ty đa quốc gia như Microsoft và Pfizer.
Ở Bồ Đào Nha, nơi tăng trưởng được thúc đẩy bởi xây dựng và khách sạn, nền kinh tế đã tăng trưởng 1,4% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha trong cùng thời kỳ thậm chí còn mạnh hơn, ở mức 2,4%.
Tại Italy, chính phủ bảo thủ đã hạn chế chi tiêu và xuất khẩu nhiều sản phẩm công nghệ và ô tô hơn; đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài mới vào lĩnh vực công nghiệp. Tăng trưởng của nền kinh tế nước này gần như ngang bằng với tốc độ tăng trưởng chung của khu vực đồng euro - một sự cải thiện rõ rệt đối với một quốc gia từ lâu được coi là lực cản kinh tế của khối.
Các chính phủ này được ghi nhận về nỗ lực cắt giảm tệ quan liêu và thuế doanh nghiệp nhằm kích thích kinh doanh và thúc đẩy những thay đổi đối với thị trường lao động vốn cứng nhắc. Điển hình như việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người sử dụng lao động trong việc thuê và sa thải công nhân, hay giảm việc sử dụng các hợp đồng tạm thời.
Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – hiện chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế khu vực đồng euro - cũng đã được hưởng lợi nhờ các quỹ phục hồi của EU, với hàng tỷ euro tiền tài trợ chi phí thấp và các khoản vay đầu tư vào số hóa nền kinh tế và năng lượng tái tạo.
Holger Schmieding, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg ở London, cho biết: “Các quốc gia này đã cùng nhau hành động sau cuộc khủng hoảng châu Âu, có cấu trúc vững chắc và năng động hơn trước đây”.
"Đầu tàu" kinh tế Đức chậm chạp
Các chuyên gia đánh giá, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng ổn định, Đức đang chậm chân trong thay đổi theo hướng đầu tư vào giáo dục, số hóa và cơ sở hạ tầng công cộng; cũng như phụ thuộc quá mức vào nguồn cung năng lượng của Nga và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Với kết quả kinh tế mới nhất, Đức chứng kiến hai năm tăng trưởng gần như bằng 0, đưa đất nước này xuống vị trí cuối cùng trong số các nước thuộc G-7 và các quốc gia thuộc khu vực đồng euro. Tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm 0,2% trong quý đầu tiên của năm 2024. Với quy mô tới 1/4 tổng nền kinh tế châu Âu, nhưng chính phủ Đức chỉ dự báo nước này tăng trưởng 0,3% trong năm nay.
Các vấn đề về cơ cấu đang là trở lực lớn nhất của Đức, bao gồm một lực lượng lao động đang già đi, giá năng lượng và thuế cao cũng như tình trạng quan liêu quá mức.
Jasmin Gröschl, nhà kinh tế cấp cao của Allianz có trụ sở tại Munich, cho rằng về cơ bản, Đức đã không chuẩn bị tốt từ khi nền kinh tế còn đang vững vàng. Và bây giờ Đức đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Mô hình định hướng xuất khẩu dựa vào thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu của Đức được cho đã trở nên mong manh kể từ sau xung đột Nga – Ukraine. Cho tới nay, nó càng bị ảnh hưởng bởi gián đoạn do xung đột địa chính trị và căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai đối tác thương mại hàng đầu của nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận