Quốc gia EU “nối gót” Mỹ trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc
ASML - công ty công nghệ giá trị nhất châu Âu, được cho là “nạn nhân” của những biện pháp hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn mới nhất của Hà Lan.
Chính phủ Hà Lan hôm 30/6 đã công bố các quy tắc mới hạn chế xuất khẩu một số thiết bị bán dẫn tiên tiến, một động thái diễn ra trong bối cảnh Mỹ gây áp lực lên các đồng minh của mình để hạn chế bán các linh kiện công nghệ cao cho Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết: “Chúng tôi thực hiện bước đi này vì lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi”, đồng thời thông tin thêm những thiết bị bị cấm có thể có các ứng dụng quân sự.
Theo bà Schreinemacher, chỉ một số rất hạn chế các công ty và mẫu sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, và Trung Quốc không được nêu tên.
Những quy tắc mới dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9. Tới thời điểm đó, các công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip tiên tiến phải xin giấy phép trước khi xuất khẩu.
Tuyên bố của chính phủ Hà Lan là kết quả của một thỏa thuận cấp cao giữa quốc gia này cùng với Mỹ và Nhật Bản nhằm thắt chặt các hạn chế trong bối cảnh Washington tìm cách cản trở khả năng tự sản xuất chip của Bắc Kinh.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc ép các đồng minh ngăn chặn Trung Quốc phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chip của riêng mình nhằm đạt được những tiến bộ trong công nghệ như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử cũng như tăng cường năng lực quân sự.
Mặc dù các biện pháp không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay ASML, nhưng chúng được thiết kế để hạn chế việc vận chuyển 3 mẫu máy của ASML đến quốc gia châu Á này, theo Bloomberg.
ASML là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, gần như độc quyền về máy móc mà các nhà sản xuất chip cần để sản xuất những con chip tiên tiến nhất.
“Chúng tôi không hy vọng các biện pháp này có tác động lớn đến triển vọng tài chính của chúng tôi trong năm 2023 hoặc trong dài hạn”, ASML, công ty công nghệ giá trị nhất châu Âu cho biết trong một tuyên bố hôm 30/6. ASML cũng tuyên bố sẽ tuân thủ tất cả các quy định xuất khẩu do chính quyền Hà Lan, Mỹ và EU đưa ra.
Cổ phiếu của ASML đã giảm 2,4% xuống còn EUR652,70 lúc 10:13 sáng 30/6 tại Amsterdam, sau khi giảm tới 3,8% ngay sau khi tin tức được đưa ra. Cổ phiếu này đã tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay.
Các biện pháp mới của Hà Lan không nghiêm khắc bằng những biện pháp mà chính quyền ông Biden thực hiện vào năm ngoái nhằm hạn chế xuất khẩu máy móc và bí quyết do Mỹ sản xuất cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Tháng 10/2022, Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với việc vận chuyển các công cụ sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc từ các công ty Mỹ như Lam Research and Applied Materials vì lý do an ninh quốc gia, đồng thời vận động các quốc gia khác có nhà cung cấp chính làm điều tương tự.
Vào tháng 1/2023, các quan chức Hà Lan và Nhật Bản đã đồng ý về nguyên tắc tham gia chiến dịch của Mỹ. 3 quốc gia này là nguồn cung cấp máy móc hàng đầu thế giới và có chuyên môn cần thiết để tạo ra chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới.
Nhật Bản, quê hương của các nhà sản xuất thiết bị chip Nikon Corp và Tokyo Electron, đã thông qua các quy tắc hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn, dự kiến có hiệu lực vào ngày 23/7.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận