Quảng Ngãi: Khu chợ gần 5 tỷ đồng hoang phế suốt 2 năm
Sau hơn 2 năm hoàn thành, khu chợ có vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng rơi vào cảnh hoang phế. Khuôn viên chợ trở thành nơi vứt rác thải, trong khi hàng chục tiểu thương buôn bán trong những túp lều tạm bợ ngay bên cạnh.
Sau hơn 2 năm hoàn thành, khu chợ có vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng rơi vào cảnh hoang phế. Khuôn viên chợ trở thành nơi vứt rác thải, trong khi hàng chục tiểu thương buôn bán trong những túp lều tạm bợ ngay bên cạnh.
Tháng 7/2017, chợ Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) hoàn thành và được nghiệm thu. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 4.800m2 với vốn đầu tư 4,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Để vào chợ buôn bán, tiểu thương phải đấu giá 32 lô sạp và 20 ki ốt. Giá khởi điểm mỗi lô sạp là 30 triệu đồng, mỗi ki ốt 200 triệu đồng cho thời gian 20 năm. Sau khi trúng đấu giá, tiểu thương phải nộp tiền một lần. Mức giá này vấp phải sự phản ứng quyết liệt của những tiểu thương "buôn gánh, bán bưng".
Do không tìm được tiếng nói chung nên hơn 2 năm qua khu chợ rơi vào tình cảnh hoang tàn. Khuôn viên chợ trở thành nơi đổ rác thải, cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục có nguy cơ xuống cấp
Lý giải nguyên nhân không vào chợ buôn bán, bà Nguyễn Thị Em cho rằng, đây là khu chợ nông thôn, tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ mớ rau, con cá kiếm sống qua ngày. Trong khi giá lô sạp quá cao lại quy định đóng tiền một lần gây khó cho tiểu thương. Do đó, hầu như toàn bộ tiểu thương tại chợ không đồng ý với phương án đấu giá được đưa ra.
"Chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ nên mỗi ngày thu nhập không được bao nhiêu. Trong khi giá lô sạp quá cao và quy định phải nộp một lần là rất khó cho chúng tôi", bà Em nói.
Tiểu thương cho rằng giá thuê ki ốt quá cao nên vẫn che lều tạm buôn bán mà không đồng ý vào chợ mới
Ngoài mức giá lô sạp, tiểu thương còn phản ánh về bất cập trong việc thiết kế khu chợ. Theo đó, nền chợ quá thấp so với mặt đường quốc lộ 1A dẫn đến tình trạng đọng nước khi có mưa. Sự phân bố nhà lồng và các ki ốt không có sự liên kết. Dãy ki ốt đầu tiên nằm trên mặt tiền quốc lộ 1A, dãy tiếp theo cách đó khoảng 50 m, khu nhà lồng nằm sâu bên trong.
"Các dãy ki ốt phía trước che chắn hết khu vực nhà lồng phía sau. Với cách bố trí này thì những người ngồi ở nhà lồng biết bán cho ai?", tiểu thương Nguyễn Ngọc Nga nói.
Các dãy ki ốt bị cây dại bao phủ và trở thành nơi chứa rác
Theo lãnh đạo xã Nghĩa Phương, chợ được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nên buộc phải thu tiền một lần để hoàn trả lại cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, tiểu thương không đồng ý với mức giá được đưa ra và đề nghị được nộp tiền thành nhiều lần. Để tháo gỡ khó khăn, 2 năm qua, địa phương đã nhiều lần đối thoại, vận động tiểu thương nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Chợ mới bị bỏ hoang trong khi tiểu thương buôn bán ngay trên hành lang an toàn quốc lộ 1A vô cùng nguy hiểm.
Về giải pháp, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương Lê Đại Thắng cho biết, chính quyền địa phương đang tính phương án làm thêm một số nhà lều để tiểu thương buôn bán, giải quyết tình cảnh nhếch nhác như hiện nay. Đồng thời, bàn phương án giảm chi phí đấu giá lô sạp phù hợp với điều kiện của tiểu thương để đưa chợ đi vào hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận