Quảng Nam: “Vàng trắng” rớt giá, nông dân điêu đứng
Mủ cao su rớt giá, doanh nghiệp và người nông dân tiến thoái lưỡng nan. Các địa phương thu hẹp diện tích trồng cao su để chuyển sang trồng cây khác.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn 3, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam là một trong số các hộ nhận bảo vệ, chăm sóc cây cao su cho Nông trường cao su Hiệp Đức, thuộc Công ty Cao su Quảng Nam. Những năm đầu nhận khoán, chị Tâm được Nông trường trả tiền công bình quân mỗi tháng 3 triệu đồng. Thời điểm giá mủ cao su tăng, có tháng gia đình nhận được cả chục triệu đồng. Với những gia đình có đông người làm cho Nông trường, thu nhập mỗi tháng 50-70 triệu đồng.
Vài năm trở lại đây, giá mủ cao su hạ xuống còn 1/3 so với trước, chị Tâm chỉ được trả tiền công trên dưới 2 triệu đồng mỗi tháng. Với mức thu nhập như vậy, chị Tâm không đủ trang trải cuộc sống gia đình.
“Hồi xưa cây đều, mủ nhiều mà giá cao nữa. Chừ cây già, ít mủ, lương thấp do mủ hạ nên ít tiền. Ngày mô cũng cạo, ngày 3 phiên đi miết rứa đó” - chị Tâm nói.
Tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cách đây hơn 10 năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và sản xuất Việt Hàn triển khai trồng cao su tại các xã Ba, Tư, xã A Ting, diện tích cả trăm ha. Khi cây cao su chưa cho mủ, doanh nghiệp này đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần Công nghiệp cao su Quảng Nam.
Trước đây, khi có chủ trương chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây cao su, người dân địa phương sẵn sàng nhận tiền bồi thường với giá rẻ để nhường đất cho doanh nghiệp trồng cao su. Giờ đây, những diện tích đất trồng cao su đến kỳ thu hoạch không có người cạo mủ, hàng trăm ha đất trồng cao su bị bỏ hoang, người dân địa phương lấn chiếm đất này để trồng keo. Ông Nguyễn Xuân Nghiêm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Ba, huyện Đông Giang cho biết, việc bỏ đất hoang trồng cao su gây lãng phí lớn.
“Hiện nay nhân dân mong muốn được mượn đất của công ty cao su. Tuy nhiên để thực hiện được việc đó rất khó khăn, vướng thủ tục pháp lý, hai là trụ sở công ty không còn ai. Địa phương không biết liên lạc với ai để mượn đất tạm thời cho người dân canh tác nên đất bỏ hoang hết” - ông Nghiêm cho biết
Từ năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương quy hoạch diện tích trồng cao su khoảng 29.000 ha, sau đó điều chỉnh bổ sung thêm khoảng hơn 1.000 ha. Hầu hết diện tích đất trồng cao su lúc bấy giờ được giao cho 2 doanh nghiệp là Công ty Cao su Quảng Nam và Công ty Cao su Nam Giang, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Ngoài ra, còn có hàng nghìn ha cao su tiểu điền do người dân tự trồng. Hiện nay, với giá mủ nước chỉ còn 5.000 đồng/kg, giá mủ khô dưới 10.000 đồng/kg, doanh nghiệp và người trồng cao su không đủ bù chi phí. Tuy không khuyến khích người dân chặt phá cây cao su nhưng một số địa phương ở tỉnh Quảng Nam đã “làm ngơ” để bà con tự tính toán trên mảnh đất của mình.
Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 4.000 ha cây cao su. Trước tình hình giá mủ cao su sụt giảm, địa phương đang tính toán trồng thêm các loại cây dưới tán cao su để phát huy hiệu quả sử dụng đất.
“Dưới tán rừng cao su thì hiện tại trồng cây nghệ, một số loại cây dược liệu và đang thí điểm trồng cây ba kích dưới tán rừng. Hiện tại có nhà máy chế biến mủ ở đây, và đang nâng cấp dây chuyền sản xuất mủ cốm tại đây. Trong năm 2019 sẽ khởi công xây dựng nhà máy để thu gom khu vực Hiệp Đức và khu vực lân cận” - ông Công nói
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đầu năm ngoái, khi phê duyệt quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng, các địa phương tiến hành rà soát lại diện tích trồng cao su. Theo đó, hiện có khoảng 27.000 ha cây cao su được doanh nghiệp, người dân trồng rải rác tại các khu vực trung du, miền núi.
Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm, chủ trương của tỉnh trồng các loại cây gỗ lớn để làm nguyên liệu chế biến gỗ công nghiệp. Tỉnh Quảng Nam tiếp tục rà soát, giảm diện tích trồng cây cao su ở những vùng khó trồng, kém hiệu quả.
“Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát trong 12.000 ha đất trồng cao su sẽ có lộ trình từng bước, từng bước để các đơn vị cao su trên địa bàn bàn giao đất cho chính quyền địa phương. Khi bàn giao sẽ làm 2 việc: Thứ nhất là người dân có thể tổ chức sản xuất trên khu đất được giao, thứ 2 là chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, liên kết với các doanh nghiệp để phục vụ công nghiệp chế biến, tạo vùng nguyên liệu ổn định” - ông Thanh cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận