Quảng Nam chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm
Một trong những nguyên nhân là tâm lý cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý đầu tư trong thời gian hiện nay còn e ngại những sai sót
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cáo báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đến 31/7.
Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ giao 4.944.264 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.404.126 triệu đồng (vốn trong nước 839.001 triệu đồng, vốn nước ngoài 565.125 triệu đồng) và vốn cân đối ngân sách địa phương 3.540.138 triệu đồng.
Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, với tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là 5.861.264 triệu đồng, tăng 917.000 triệu đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, ngân sách trung ương 1.404.126 triệu đồng, ngân sách địa phương 4.457.138 triệu đồng.
Tính đến ngày 31/7/2022, đã phân bổ hơn 5.487.893 triệu đồng, đạt 93,6%; trong đó, ngân sách trung ương phân bổ 100%, vốn ngân sách địa phương 4.083.767 triệu đồng, đạt 91,6%.
Kế hoạch vốn ngân sách địa phương còn lại chưa phân bổ 373.371 triệu đồng, gồm thực hiện các Chương trình Nghị quyết hỗ trợ sau đầu tư của HĐND tỉnh 92.785 triệu đồng, trả nợ vay đến hạn cho kỳ cuối vào tháng 10 đến 12/2022 là 87.774 triệu đồng, dự phòng và chuẩn bị đầu tư 27.702 triệu đồng và nguồn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng do chưa đảm bảo thủ tục 165.110 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Quảng Nam là 6.323.090 triệu đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 là 5.861.264 triệu đồng, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài 461.826 triệu đồng.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh cung cấp, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn tỉnh, không bao gồm các dự án do trung ương quản lý, đến hết ngày 31/7/2022 là 2.206.072 triệu đồng, đạt 35,8%.
Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 giải ngân 2.092.916 triệu đồng, đạt 36,9% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống KBNN, đạt 35,7% so với kế hoạch vốn được giao; kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài giải ngân 113.156 triệu đồng, đạt 24,5%.
Ông Quang xác nhận, kết quả giải ngân vốn đầu tư 7 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Nam cao hơn so với kết quả giải ngân cùng kỳ năm 2021 và trung bình chung của cả nước nhưng chưa đạt yêu cầu về Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Việc giảm ngân chậm do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm; giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép, xăng dầu và việc thiếu các mỏ đá, mỏ đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam thuộc vùng Nam Trung Bộ, mùa mưa thường xảy ra vào đối với miền núi là vào tháng 6 hằng năm, do đó công tác thi công gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Đồng thời, đặc điểm lịch sử quản lý đất đai của tỉnh Quảng Nam dẫn đến việc xác nhận nguồn gốc đất và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó mắc
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan như số lượng nhân sự thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án tại các Sở xây dựng chuyên ngành còn ít, trong khi khối lượng công việc nhiều; tâm lý cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý đầu tư trong thời gian hiện nay còn e ngại những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong 7 tháng đầu năm, các đơn vị và địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 và tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng.
Công tác tổ chức thực hiện tại một số chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát; công tác chuẩn bị thủ tục dự án mới chậm, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư chưa được tập trung giải quyết; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực;...
Các dự án chuyển tiếp gặp vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá đền bù, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất.
“Các dự án khởi công mới chậm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, thương thảo hợp đồng. Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ giải ngân đạt 17,1% (NSTW cấp phát 13,9%, tỉnh vay lại 19,8%) do gặp vướng mắc trong thủ tục giải ngân dự án, thực hiện thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án và đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện…”, ông Quang chỉ rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận