Quản trị rủi ro và phục hồi sau dịch
Nắm bắt được các xu thế mới sẽ đảm bảo doanh nghiệp sớm định vị được vị trí của mình trên thị trường thời kỳ hậu dịch
Thực tế cho thấy, khi khủng hoảng lan rộng và có tính chất phức tạp khó dự đoán như đại dịch Covid-19 hiện nay sẽ tác động sâu sắc và nghiêm trọng đến doanh nghiệp trên tất cả các khía cạnh từ kinh doanh, nhân sự, quản lý và thậm chí cả rủi ro phá sản cao. Đó có thể bắt đầu từ việc: Phát hiện vấn đề chưa đầy đủ. Điều này có thể do công tác dự đoán, đánh giá tác động của khủng hoảng chưa đầy đủ, chưa tính hết các diễn biến khó lường của khủng hoảng. Trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cũng chưa tính hết được tác động nhiều mặt lên hoạt động sản xuất kinh doanh và cả lên sự tồn vong của chính doanh nghiệp mình; Ra quyết định thiếu linh hoạt.
Những quyết định thiếu tính linh hoạt trong bối cảnh khủng hoảng có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề như thông tin không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng… Cùng với đó là lập kế hoạch đối phó khủng hoảng không chủ động. Từ việc phát hiện vấn đề chưa đầy đủ và ra quyết định thiếu linh hoạt, có thể dẫn đến việc lập kế hoạch đối phó khủng hoảng bị động, không sát với thực tiễn. Tất cả những điều này sẽ là nguyên nhân dẫn đến triển khai trong thực tế thất bại.
Trên phương diện nào đó, Covid-19 có thể xem là một kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong công tác quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị tài chính và quản trị chuỗi cung ứng để tăng cường đề kháng cho những nạn dịch khác có thể còn nguy hiểm hơn trong lương lai.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn nên khai thác và phát triển các ưu tiên chiến lược như cắt giảm chi phí, đây luôn là chiến lược cơ bản và quan trọng bậc nhất trong thời kỳ khủng hoảng kéo dài với những khó khăn về chuỗi cung cấp và thị trường. Tất cả các hạng mục chi phí cần được rà soát kỹ lưỡng và cắt giảm đến mức tối đa. Chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến có thể giúp cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí hành chính và các chi phí cơ bản trong vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp.
Khi bùng phát của đại dịch, nhiều doanh nghiệp lớn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng do các thị trường đầu vào đóng băng, giao thương giữa các quốc gia hạn chế. Để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chủ động phát triển và khai thác chuỗi cung ứng trong nước là cần thiết trong giai đoạn này. Bên cạnh đó cũng tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường đầu vào, thay vào đó nên tận dụng sớm các điều khoản của hiệp định EVFTA, CPTPP để đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một chủ đề và chiến lược được nhắc đến nhiều trong thời gian qua nhưng có lẽ phải qua đại dịch Covid-19 mới thấy tầm quan trọng của nó. Các mô hình kinh doanh online, thương mại điện tử, làm việc trực tuyến, kể cả sử dụng robot trong công xưởng cũng đã thể hiện được vai trò nổi bật trong thời gian này. Công cuộc chuyển đổi số cần phải có chiến lược và định hướng cụ thể, lâu dài và toàn diện nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng các doanh nghiệp lớn.
Cùng với đó, phương thức mua hàng và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng đã thay đổi rõ ràng, với xu hướng tăng cường đặt hàng trực tuyến và giao hàng nhanh với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ. Điều này cũng cho thấy doanh nghiệp nên nghiên cứu các cách tiếp cận mới với thị trường, đầu tư đáng kể vào hoạt động R&D (nghiên cứu-phát triển) để tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả nhất trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng.
Rất nhiều tổ chức đã áp dụng các hình thức bảo hộ linh hoạt và cẩn trọng cho nhân sự và khách hàng của mình. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang chế độ làm việc tại nhà đối với phần lớn nhân sự, mặc dù chế độ làm việc tại nhà ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc do phần lớn nhân viên sẽ không tập trung được như tại công sở. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên thay đổi các chuẩn mực làm việc, ban hành các chuẩn mực mới thích nghi với môi trường làm việc từ xa và tất nhiên đối với một bộ phận nhân sự vẫn phải đến văn phòng làm việc thì phải đảm bảo tối ưu cho sự an toàn và sức khỏe của họ.
Việc theo dõi chặt chẽ các nhân tố cả trong và ngoài tổ chức là rất quan trọng để nắm được tiến trình phát triển của đại dịch và từ đó đưa ra được các kịch bản ứng phó linh hoạt. Tham khảo các kịch bản của đại dịch ảnh hưởng lên kinh tế vĩ mô từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan lập chính sách cũng là việc cần thiết trong giai đoạn này.
Chắc chắn sẽ còn mất một thời gian dài để hồi phục các nền kinh tế, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sức mua của người tiêu dùng như trước đây. Tuy nhiên, nắm bắt được các xu thế mới sẽ đảm bảo doanh nghiệp sớm định vị được vị trí của mình trên thị trường thời kỳ hậu dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận