Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG: Làm gì và từ đâu?
Các doanh nghiệp đang hướng tới mô hình tích hợp ESG vào chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trong đó, chữ G (governance - quản trị) là một trong những tiêu chuẩn đáng lưu tâm.
Vai trò của quản trị doanh nghiệp ESG
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - cho biết phát triển bền vững đã trở thành xu hướng trên thế giới.
Báo cáo khảo sát của KPMG năm 2022 trên 5.800 doanh nghiệp ở 58 quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy một số con số quan trọng: 96% trong số 250 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (theo doanh thu dựa trên bảng xếp hạng Fortune 500 năm 2021) có báo cáo về các vấn đề phát triển vững hoặc ESG và 64% trong số các doanh nghiệp này xác nhận biến đổi khí hậu là rủi ro đối với việc kinh doanh của họ. 71% doanh nghiệp lớn nhất trong khảo sát xác định rõ các vấn đề ESG trọng yếu.
Báo cáo cho thấy, ở cấp độ doanh nghiệp, việc thực hành phát triển bền vững hay ESG đã trở thành thông lệ. Ông Minh nêu ở cấp độ quốc gia đã có những chuyển động rất rõ về các quy định liên quan đến môi trường, xã hội.
Liên quan đến môi trường có thể kể đến Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), Quy định không gây mất rừng (EUDR) của EU hay liên quan đến phúc lợi lao động như Luật về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Đức. Nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có các chiến lược và quy định riêng liên quan đến các khía cạnh của phát triển bền vững.
Bên cạnh đó thì hệ thống pháp luật trong nước cũng được hoàn thiện với các quy định ngày càng cao, đòi hỏi tuân thủ về môi trường, lao động, bảo hiểm hay quản trị doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cũng cần thích ứng với bối cảnh mới thông qua đổi mới hoạt động quản trị, hướng đến sự phát triển bền vững để quản trị được các rủi ro có thể phải đối mặt, đặc biệt là rủi ro liên quan đến pháp lý.
Quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả các tài nguyên, nâng cao lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình và tạo cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, dài hạn.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội), nhận định ESG đã và đang áp dụng phổ biến trên thế giới, tập trung ở các quốc gia phát triển, và trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Các tập đoàn lớn đang định vị Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các lĩnh vực như dệt may, điện tử, thủy sản, nông sản… vào EU, Mỹ, Hàn, Nhật…
Trong khi đó tại các thị trường này, các đối tác nhập hàng ngày càng áp dụng phổ biến ESG không chỉ cho bản thân doanh nghiệp của họ mà còn yêu cầu phổ cập tiêu chuẩn tới các đối tác cung ứng đầu vào, nhập hàng. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm và ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất bởi những doanh nghiệp có áp dụng ESG.
Đồng quan điểm với TS. Bùi Thanh Minh, ông Huy nhận định quản trị doanh nghiệp theo định hướng ESG là xu thế tất yếu, bắt buộc cho các doanh nghiệp Việt Nam. ESG đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định trong việc đảm bảo cho các sáng kiến xanh và bền vững được thực thi một cách hiệu quả và bền vững.
ESG giúp doanh nghiệp xây dựng, nâng cao tín nhiệm với cộng đồng nhà đầu tư, khách hàng, các bên liên quan. Một hệ thống quản trị mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động, và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý, nâng cao trách nhiệm với xã hội.
Bà Nguyễn Mai, Chuyên gia Tài chính xanh - Trưởng Đại diện Hội Quy hoạch Mỹ tại Việt Nam, CFA ESG, nhận định, trong 3 yếu tố ESG thì G mang vai trò định hướng. Quản trị doanh nghiệp tốt mới có thể có chiến lược và sau đó là thực hành tốt các hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn môi trường và xã hội.
Hay nói cách khác, quản trị tốt còn là bản lề của việc phát triển và cam kết thực hiện ESG. Điều này rõ ràng yêu cầu đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và đưa ra những phương án và chiến lược ESG phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình, không chỉ là theo đuổi những hạng mục liệt kê trong các "tiêu chuẩn" ESG và cần phải thực tế hóa sao cho mang lại giá trị tốt nhất cho hoạt động kinh doanh và các giá trị môi trường cũng như xã hội.
Quản trị còn có vai trò quan trọng thứ hai là duy trì và kiểm soát việc thực hiện chiến lược. Nếu đưa ra chiến lược nhưng thực hiện không sát sao cũng sẽ không thể nào mang lại giá trị như mong đợi. Bởi vậy, quản trị ở đây còn cần có tính bền bỉ, theo sát quá trình thực hiện ESG để từ đó tái đánh giá hiệu quả định kỳ nhằm cải thiện và hoàn thiện dần dần chiến lược ESG tốt nhất, phù hợp nhất cho chính bản thân doanh nghiệp.
Thực trạng thực thi ESG của doanh nghiệp Việt Nam
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nắm bắt, tiếp cận, áp dụng ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quang Huy, chủ yếu ở các doanh FDI là thành viên của những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, các doanh nghiệp lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có cam kết mục tiêu, thực thi cụ thể hóa hành trình hướng đến Net Zero.
Tuy nhiên, ở khối cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp Việt Nam) thì nhiều doanh nghiệp mới chỉ ở mức nắm bắt cơ bản về ESG, chưa đi vào những chiến lược, kế hoạch, hành động cụ thể, ở khu vực các doanh nghiệp không có yếu tố xuất khẩu thì việc này chưa có sự quan tâm tích cực như khối các doanh nghiệp xuất khẩu.
Những nguyên nhân chính do bản thân các lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới ESG, thiếu thông tin, tài liệu, chuyên gia cố vấn hỗ trợ doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi nếu doanh nghiệp áp dụng ESG. Đồng thời, các doanh nghiệp chưa cảm nhận đúng mức về lợi ích tích cực và sức ép toàn cầu cần chủ động thực hiện ESG thì mới có thể tham gia sâu rộng vào thị trường toàn cầu.
Ông Bùi Thanh Minh cũng đánh giá ở Việt Nam, thực hành ESG mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, sản phẩm thường hướng ra xuất khẩu hoặc có các cổ đông nước ngoài.
Khảo sát của KPMG năm 2022 cũng cho thấy có 13 doanh nghiệp Việt Nam xác định mối quan hệ kinh doanh và ESG trong các báo cáo. Một nghiên cứu của PwC năm 2022 cho biết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có mức độ cam kết cao nhưng thận trọng hơn khi bắt đầu hành trình ESG.
Báo cáo của KPMG cũng nhấn mạnh Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu tất cả các công ty niêm yết phải công bố thông tin cụ thể về tính bền vững. Tuy nhiên, việc thiếu chế độ báo cáo bắt buộc khiến cho chất lượng công bố và phân tích giữa các công ty là khác nhau. Đã đến lúc tất cả các công ty Việt Nam phải công bố các báo cáo về tính bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế, để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan trong nước và trên toàn thế giới.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu thực hành và đạt được các thành quả bước đầu khi tích hợp ESG trong mô hình kinh doanh của họ như Vinamilk, FPT… Phần lớn doanh nghiệp vẫn gặp phải một số khó khăn trong thực hành ESG như thiếu thông tin, thiếu nguồn lực về tài chính và thiếu dữ liệu chuẩn hóa.
Theo ông Minh, để thực hành ESG hiệu quả cần tích hợp vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nên tích hợp ESG để tăng sức mạnh và hiệu quả hoạt động, cần biết rõ mục đích thực hành ESG của mình, không nên làm theo phong trào.
Bắt tay vào làm từ đâu?
Ông Bùi Thanh Minh nhấn mạnh để quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần bắt tay vào 3 việc chính. Thứ nhất, thiết lập một đội ngũ chuyên trách hoặc bộ phận pháp chế trong doanh nghiệp để theo dõi sát sao các thay đổi và cập nhật trong luật pháp và chính sách liên quan đến môi trường, từ đó nắm bắt được các diễn biến chính sách, pháp lý có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ và giải pháp thân thiện với môi trường để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, doanh nghiệp tích hợp mục tiêu bền vững và trách nhiệm môi trường vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, xem xét môi trường không chỉ là thách thức pháp lý mà còn có thể mở ra cơ hội cho doanh nghiệp khi đi tiên phong.
Đường cong mức độ trưởng thành ESG mà doanh nghiệp có thể cân nhắc gồm 4 chữ T: Tuân thủ - Trên tuân thủ - Tích hợp - Tiên phong. Doanh nghiệp hãy bắt đầu từ "Tuân thủ" đầu tiên, để ít nhất không vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của mình. Và để bắt đầu, doanh nghiệp cần đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình dựa trên các dữ liệu, từ đó xem xét mục tiêu cụ thể, các vấn đề trọng yếu để tích hợp trong mô hình kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp cần xem ESG là công cụ, là "chiếc khiên" bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội, quản trị.
Một điểm cần nhấn mạnh là việc thu thập thông tin và xác lập hệ thống dữ liệu để đối sánh có vai trò quan trọng trong thực hành ESG và tạo ra tính minh bạch, tin cậy, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Mai, trước khi doanh nghiệp theo đuổi bất kỳ một "tiêu chuẩn xanh" nào, doanh nghiệp cũng nên rà soát lại chính các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, để hiểu rõ chính mình đang thực hiện tốt tới đâu so với những yêu cầu về phát triển bền vững. Bởi vì không có đo lường cơ sở thì bản thân doanh nghiệp không thể biết nên làm gì để cải thiện và sau đó cũng không có cơ sở để đánh giá mức cải thiện có hiệu quả hay không.
Thứ hai, doanh nghiệp nên cẩn thận lựa chọn những tiêu chuẩn xanh phù hợp với ngành nghề của mình, tránh việc chạy theo quá nhiều tiêu chuẩn cũng lúc có thể dẫn tới tình trạng "mệt mỏi" do thiếu nguồn lực và quá tải thông tin. Lựa chọn sáng suốt những tiêu chuẩn phù hợp và liên quan nhất, thực hiện từng bước một dựa trên cơ sở những gì mình đang có, đặt mục tiêu phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp từng bước tự tin thực hiện phát triển bền vững một cách bền vững.
Với những bước khởi đầu này, vai trò của quản trị doanh nghiệp rất rõ ràng và có tính chủ đạo hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Khi quản trị doanh nghiệp được củng cố và rõ ràng về đường lối từ những bước ban đầu, thì những bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi, tuy có thể vẫn có nhiều khó khăn, nhưng sẽ thuận lợi hơn vì đã xác định được hướng đi phù hợp.
(Theo Mộc An và Nhật Quang | dantri.com.vn)
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận