Quản trị cảm xúc trong giao dịch
Sau một thời gian làm việc sát thị trường và tiếp xúc với nhiều người chơi chứng khoán, mình nhận ra rằng mấu chốt của giao dịch 70% đến từ việc quản trị cảm xúc và đây cũng là việc siêu khó.
Jesse Livermore có một câu mình rất thích: “The human side of every person is the greatest enemy of the average investor or speculator”. (nôm na là phần con người trong mỗi người chính là kẻ thù lớn nhất của mọi nhà đầu tư). Nghe thì khá văn vở nhưng câu nói này là chính xác vì rất nhiều thứ có thể bị cảm xúc chi phối.
Quản trị cảm xúc không đơn thuần là việc tắt máy tính, chạy ra ngoài cho khuây khoả để lấy lại cảm hứng giao dịch sau một chuỗi thua lỗ như nhiều người hay làm. Mà nó là cả một quá trình không ngừng nghỉ nhìn lại bản thân, tìm hiểu chính mình và học cách sửa đổi để biết rằng khi nào nên nên buông, lúc nào nên nắm. Để chia sẻ thật, mình không giỏi trong quản trị cảm xúc nên mình vẫn đang tập dần bằng cách theo dõi diễn biến tâm lý của bản thân và ghi nó vào nhật ký giao dịch. Với mình, cách này khá hiệu quả, anh chị có thể xem xét.
Và sau khi ghi lại, mình mới nhận ra mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội chỉ vì cảm xúc rối ren, thường gặp như:
- “Ôi cắt đúng đáy rồi!”
Sau khi ac phân tích xu hướng, có quan điểm riêng, và tự tin vào quyết định đóđể rồi thị trường đi ngược hướng; ac bắt đầu nghi ngờ quan điểm bản thân, rồi ôm ấp một nỗi hi vọng về việc cổ phiếu sẽ hồi và đi đúng quỹ đạo từng vẽ ra. Anh chị gồng mình lên, check bảng điện theo phút và giá đến gần điểm stop loss, anh chị hoảng loạn cắt lỗ. Đến hôm sau, cổ phiếu về đúng giá mua và thậm chí là tăng mạnh, anh chị nuối tiếc…
- “Ôi chốt non rồi, tiếc quá!”
Lần này anh chị đang có lời, cổ phiếu đi đúng trend thì sự sợ hãi: “Lỡ giá lại xuống như lần trước thì sao?” mặc cho anh chị đã có một mục tiêu cố định và sau đó, anh chị chốt ở giữa chặng đường trong khi giá vẫn tiếp tục tăng đến mục tiêu.
- “Ôi biết thế thì chốt sớm hơn!”
Anh chị kì vọng cổ phiếu tăng 10%, rồi khi cổ phiếu tăng vượt quá kì vọng, anh chị quyết định giữ, và rồi hôm sau cổ phiếu xuống giá. Vậy là anh chị đang từ lãi cao thành hoà vốn, rồi thành lỗ… Đây là điều đáng buồn và chẳng một ai mong muốn, nhưng điều không nên nhất đã xảy ra: Anh chị bực tức chính bản thân mình, trong khi lúc đầu anh chị cũng chẳng tin vào nó.
Chỉ vài lần vậy thôi, thị trường sẽ làm anh chị mất hết can đảm và không dám vào lệnh. Sau những trải nghiệm như vậy, anh chị sẽ đặt ra câu hỏi: VẬY NÊN LÀM THẾ NÀO NHỈ?
Chúng ta đều hiểu, thị trường tài chính được quyết định bởi các vấn đề vật chất đến 99% vậy nên cảm xúc không được phép ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Theo kinh nghiệm của mình, anh chị nên tham khảo các cách sau:
1. Tạo nguyên tắc đầu tư
Nguyên tắc ở đây bao gồm:
- Điểm mua
- Điểm chốt lời
- Điểm cắt lỗ
- Thời gian nắm giữ
- Lí do tham gia cổ phiếu
…
Kể cả khi có nguyên tắc đầu tư thì chuyện lỗ cũng là không tránh khỏi, nhưng cho phép mình lỗ bao nhiêu lại là việc hoàn toàn dự tính được.
2. Ghi lại lịch sử giao dịch
Sau những lần cảm xúc làm cho việc đi lệnh trở nên rủi ro, anh chị nên ghi lại và highlight những lần đó. Chắc chắn sẽ có những khi anh chị thắng một chuỗi liên tục và trở nên chủ quan mua bán bừa bãi; hoặc cũng có khi gặp một chuỗi thua liên tục rồi cảm thấy ức chế, chán nản.
Để sửa lỗi lầm thì cách nhanh nhất là nhìn thẳng vào sự thật. Sau khi biết những chuyển giao tâm lý ảnh hưởng thế nào thì chúng ta sẽ biết cách làm cân bằng cảm xúc (Cái này mỗi người một cách riêng nên mình chỉ viết đến đây).
3. Có quan điểm riêng
Mình có tâm sự với một anh khách, anh theo dõi khá nhiều room khuyến nghị, mỗi room anh lại theo một ít và cứ thế danh mục anh dài đến 20 mã, trong đó có kha khá mã anh không nắm rõ là tại sao đầu tư. Và khi thị trường bị bán mạnh, anh trở nên hoảng loạn không biết phải hành xử ra sao, nên bán mã nào, giữ mã nào. Các anh chị mới tham gia thị trường rất hay gặp cảnh này. Thường trong trường hợp này, mình khuyên anh chị chỉ nên coi các khuyến nghị là yếu tố tham khảo rồi chọn lọc theo nguyên tắc đầu tư riêng của mình.
Nói chung, đầu tư là một lĩnh vực không hề đơn giản và cũng không dành cho ai chỉ tin vào vận may. Có thể giờ anh chị kiếm được nhờ thị trường này mới nổi lên, dễ kiếm ăn, nhưng về lâu về dài, không có một tư duy đúng đắn thì sao? Không quan trọng là kiếm được bao nhiêu tiền bây giờ, điều quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu và làm nó nảy nở đến khi bạn 60,70 tuổi ra sao. Vì vậy, chúng ta nên tích luỹ kinh nghiệm ngay từ những giai đoạn đầu và trong đó không thể thiếu việc kiềm chế cảm xúc rồi. Tin mình đi, việc này không những giúp bạn trên thị trường mà còn giúp bạn trong đời thực rất nhiều.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận