Quản trị cảm xúc trong đầu tư chứng khoán (phần 1)
Vẫn là câu chuyện quen thuộc với tầng lớp nhà đầu tư cũ nhưng lại luôn là câu chuyện mới đối với nhà đầu tư F0 – những thành viên đang tham gia thị trường thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai khi thị trường chứng khoán ngày càng phát triển.
Trên thị trường chứng khoán, chúng ta đều biết lòng tham và nỗi sợ hãi là hai loại cảm xúc chính chi phối nhà đầu tư, tuy nhiên do cách tư duy logic mà chúng ta thường hay gắn lòng tham với một thị trường giá lên và nỗi sợ hãi với một thị trường giá giảm.
Về thực tế hai loại cảm xúc này thường đan xen với nhau ở trong tất cả trạng thái thị trường. Ngoài ra chúng ta còn có thêm những loại cảm xúc khác, ít xuất hiện hơn, đó là thỏa mãn, hi vọng, nuối tiếc, chán nản và nghi ngờ.
Để có thể hiểu hơn về các trạng thái cảm xúc trên, chúng ta sẽ cùng nhau lồng ghép chúng vào hoạt động giao dịch trên từng giai đoạn thị trường.
1. Khi thị trường bắt đầu tạo đáy và đi lên.
Về bản chất, khi thị trường tạo đáy thì chẳng ai biết là đáy, chỉ khi đáy thực sự hình thành chúng ta mới có thể biết đáy là đâu. Đặc thù trong giai đoạn này, chúng ta sẽ bị chi phối bởi cảm xúc nghi ngờ - thường sẽ là nghi ngờ giữa bull trap và đáy thật.
Cảm xúc này sẽ chấm dứt và thay thế bằng cảm xúc tham lam khi thị trường xuất hiện một phiên bùng nổ với khối lượng lớn và bẻ gãy một vùng giá nhất định (hiện tượng này được gọi là bùng nổ theo đà), dĩ nhiên khi hiện tượng bùng nổ này diễn ra thì thị trường thường đã đi lên được một đoạn từ đáy.
Trong giai đoạn tiếp theo, thị trường sẽ tiếp tục tăng lên với các cảm xúc như: lòng tham đan xen sợ hãi, thỏa mãn và nuối tiếc. Lòng tham ở đây là niềm vui khi thấy tài khoản tăng dần, sự sợ hãi ở đây là sợ thị trường quay đầu giảm và chúng ta mất lãi, thường thì chúng ta sẽ hay chốt lời sớm giai đoạn này.
Trường hợp thị trường giảm như chúng ta dự tính, chúng ta sẽ phát sinh cảm giác thỏa mãn do thoát ra kịp thời và giữ được số tiền đã có. Ngược lại khi thị trường tăng tiếp, chúng ta cũng bị chi phối bởi cảm giác tiếc nuối do bán sớm, và sợ không dám mua lại cổ phiếu mình đã bán tại mức giá cao hơn.
Nhóm cảm xúc này sẽ duy trì một thời gian, cho đến khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh mẽ làm cho chúng ta không thể đứng ngoài được nữa, từ đó chúng ta bắt đầu tiếp xúc với trạng thái sợ mất cơ hội – điên cuồng lao vào mua cổ phiếu bất chấp giá đã tăng cao. Đây thường là dấu hiệu thị trường tạo đỉnh.
2. Khi thị trường bắt đầu tạo đỉnh và đi xuống.
Về bản chất, giai đoạn này là nối tiếp của cảm giác sợ mất cơ hội của giai đoạn 1, đi kèm với đó là lòng tham làm giàu nhanh – hi vọng cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng nữa. Giai đoạn này sẽ cuốn hút nhà đầu tư một cách mạnh mẽ bởi những phiên giao dịch bùng nổ, thanh khoản lớn tạo cảm giác tăng nóng (nhưng giá cổ phiếu không tăng được bao nhiêu) – đặc thù phân phối đỉnh.
Khi giai đoạn phân phối đỉnh kết thúc, giá cổ phiếu bắt đầu lao dốc, và rất nhanh sau đó, lòng tham – niềm hi vọng – bị thay thế bởi nỗi sợ mất tiền của nhà đầu tư. Dĩ nhiên, nỗi sợ thường lớn hơn nhiều so với lòng tham, do đó khi giá cổ phiếu lao dốc, thời gian thường là rất ngắn và nhanh, do nhà đầu tư dẫm đạp nhau chạy, thi nhau bán nhằm cố gắng giữ lại số tiền của mình.
Chính vì đặc thù nhanh và mạnh trong quá trình đi xuống, nhiều nhà đầu tư sẽ bị bất ngờ, hoảng loạn và không kịp ra quyết định bán cổ phiếu – hoặc chần chừ bán cổ phiếu (do mới bị lỗ một ít và nuôi hi vọng thị trường vẫn đi lên để gỡ lại) - tạo ra trạng thái mắc kẹt trên cao (đu đỉnh) và bị xén lông cừu (mỗi ngày nhìn tài khoản giảm đi một ít).
Cho đến khi các cổ phiếu trên thị trường chiết khấu giảm từ 50% đến 70%. Đây là vùng mà các nhà đầu tư nhanh chân đã tháo chạy hết, những nhà đầu tư kẹt lại cũng không dám tháo chạy bởi bán là lỗ thật, chỉ ngồi hi vọng chờ cổ phiếu quay trở lại.
Giai đoạn này sự hoảng loạn sẽ được thay thế bởi cảm xúc chán nản (do người cầm tiền chưa muốn lao vào mua ngay, muốn chờ giá giảm thêm, người cầm cổ phiếu mất quá nhiều, không muốn bán nữa), điển hình là thanh khoản thấp với giá cổ phiếu giảm sâu.
Tình trạng chán nản diễn ra lâu ngày sẽ khiến nhà đầu tư mất đi niềm tin vào thị trường và thường không muốn nhắc đến đầu tư, cho đến khi xuất hiện dấu hiệu tạo đáy - thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng nhưng giá cổ phiếu không còn giảm nữa – chúng ta sẽ lặp lại trạng thái ở giai đoạn 1 – Khi thị trường tạo đáy đi lên.
Như vậy, qua bài viết, chúng ta phần nào đã nhận biết được các trạng thái cảm xúc đan xen chi phối nhà đầu tư trên thị trường. Vậy làm thế nào để quản trị những cảm xúc đó và đầu tư hiệu quả? Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi tại phần 2 – Công cụ quản trị cảm xúc trong đầu tư.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận