24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quản lý ví điện tử: Doanh nghiệp cung ứng phải... nhận biết khách hàng

(TBKTSG) - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán có một số quy định mới liên quan đến ví điện tử (digital wallet) nhưng chủ yếu hướng đến người tiêu dùng, như hạn mức, trách nhiệm và các hành vi bị cấm. Tuy nhiên, việc giám sát của cơ quan quản lý cũng phải lưu ý đến các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, nhất là nghĩa vụ nhận biết khách hàng (Know Your Customer - KYC) của các tổ chức này.

Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị di động có kết nối dữ liệu đã khiến cho ví điện tử trở thành một phương tiện thanh toán ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, phải kể đến những ưu điểm vốn có của ví điện tử như: phí chuyển tiền hoặc mua hàng hóa dịch vụ rất thấp hoặc không có, chuyển tiền theo thời gian thực, kết nối với tài khoản ngân hàng, gửi và nhận qua QR code, ID, e-mail...

Ở một số quốc gia, ví điện tử ngày càng trở thành một phương tiện thanh toán phổ biến, tiện lợi. Ví dụ như Trung Quốc, năm 2018, riêng Alipay và Wechat (chiếm 95% thị phần nước này) đã có hơn 1 tỉ người dùng, giá trị giao dịch là 9.150 tỉ đô la Mỹ (tăng 60% so với năm 2017)(*). Các nước châu Á khác có số lượng ví điện tử nhiều có thể kể đến như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, và cả Việt Nam.

Việt Nam đã có đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 2545/QĐ-TTg, nhằm đạt tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm xuống dưới 10%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực triển khai đề án này. Nếu nhìn vào số thuê bao 3G-4G của Việt Nam hiện nay vào khoảng 50 triệu thuê bao thì tiềm năng của ví điện tử là rất lớn. Tuy nhiên, một trở ngại lớn là số lượng người dân có tài khoản ngân hàng còn thấp, các điểm chấp nhận thanh toán có kết nối chưa phủ khắp, chỉ tập trung ở các thành phố lớn.

Bên cạnh việc nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, các dịch vụ trung gian thanh toán cũng được thúc đẩy phát triển mạnh trong thời gian qua, trong đó có dịch vụ ví điện tử. Theo NHNN, ở Việt Nam hiện có 23 tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử, với gần 5 triệu ví điện tử có kết nối với tài khoản ngân hàng, trong khi đó số ví điện tử đăng ký lại gấp vài lần.

Là một hình thức thanh toán hiện đại, ví điện tử nhằm thay thế tiền mặt hay thẻ ngân hàng, nhưng nên nhớ rằng nó chỉ phù hợp với các giá trị giao dịch nhỏ hay vừa phải. Chính vì vậy, các nước đều có có quy định về giá trị giao dịch tối đa trong một lần, một ngày, và một tháng. Ngoài ra, các giao dịch này cũng phải tuân thủ các nguyên tắc như trong hệ thống tài chính truyền thống.

Nghĩa vụ nhận biết khách hàng

Trong dự thảo hiện nay của NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán, nội dung về hạn mức, trách nhiệm, các hành vi bị cấm liên quan đến chủ ví điện tử là phù hợp. Một số ý kiến cho rằng cần nâng hạn mức nhưng bản thân người viết thấy rằng bản chất ví điện tử là một phương thức thanh toán có tính thay thế, không phù hợp với các giao dịch có giá trị lớn. Hiện nay, ngay cả ở các nước phát triển thì việc thanh toán bằng thẻ cũng có hạn mức không cao đối với thẻ phổ thông, các giao dịch giá trị lớn phải thông qua lệnh chuyển khoản chính thức.

Nhưng có hai điểm quan trọng mà trong dự thảo này, người viết thấy rằng đó có thể là lỗ hổng trong việc quản lý ví điện tử. Thứ nhất, các quy định về “mức tối đa” được áp dụng cho việc chuyển tiền và thanh toán, mà không hề đề cập gì đến giá trị được nhận hay được thanh toán. Nếu một cá nhân có nhiều thu nhập bất minh thông qua ví điện tử, hay một doanh nghiệp che giấu doanh thu qua ví điện tử thì sao?

Thứ hai, những quy định về nghĩa vụ nhận biết khách hàng đối với các tổ chức tín dụng chưa được áp dụng cho các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, mà NHNN chỉ yêu cầu các tổ chức này báo cáo một số nội dung về hoạt động, vận hành, hay khi có sự cố mang tính chung chung. Trong khi, bất kỳ sự dịch chuyển dòng tiền nào, dù lớn hay nhỏ đều có thể có liên quan đến các vi phạm pháp luật, như rửa tiền hay tài trợ khủng bố...

Thay lời kết, người viết thấy rằng yêu cầu nghĩa vụ nhận biết khách hàng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử là cần thiết, để cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát minh bạch và hiệu quả sự dịch chuyển các dòng tiền trong nền kinh tế. Mặc dù ví điện tử thường tương ứng với các giao dịch có giá trị nhỏ, nhưng nếu gộp lại thì tổng giá trị sẽ không hề nhỏ, và vì thế có thể bị lạm dụng khi tồn tại các lỗ hổng trong quản lý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả