Quản lý nguồn nước: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
95% lượng nước khai thác ở vùng Tây Nam bộ được chia sẻ bởi nhiều bên khác nhau, như khu công nghiệp, nhà máy cấp nước, các hộ gia đình, trường học. Do đó, để bảo vệ nguồn nước, cần sự chung tay quản lý giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Phát biểu tại hội thảo về quản lý nguồn nước bền vững tại Tây Nam bộ diễn ra ở Hà Nội hôm 25-11, ông Anus Sylvain, chuyên gia thuộc Tập đoàn nghiên cứu địa chất Antea (Pháp), cho biết trong ngắn hạn và trung hạn, nguồn nước ngầm trong lưu vực sông Vàm Cỏ đang trong trạng thái cân bằng tích cực. Trong đó, khu vực tỉnh Long An, lượng nước được bổ sung hàng năm gấp 4 lần lượng nước khai thác.
Nghiên cứu được dẫn ra cũng cho thấy, khoảng 95% lượng nước khai thác được chia sẻ bởi nhiều bên khác nhau. Vì thế, Antea cho biết cần thực hiện sáng kiến bảo vệ nguồn nước chung, với sự quản lý và phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
Ông Marc Alary, phụ trách phát triển bền vững về môi trường và nước tại Nestle Waters châu Á cho biết, tổng lượng nước ngọt có được chiếm chưa đầy 1% tổng lượng nước trên hành tinh này. Trong khi đó, nhu cầu nước trên thế giới ngày càng tăng cao. Đây là áp lực lớn để cung cấp đủ lượng nước sạch cho người dân, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Để bảo vệ nguồn nước ở khu vực Tây Nam bộ, người dân tại Long An được khuyến khích trám lấp giếng để tránh gây ô nhiễm nguồn nước và sử dụng nước đảm bảo chất lượng; một số kênh rạch được làm sạch và khai thông để đem lại nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Trong năm 2019, gần 300 hộ gia đình tại đây đã được tiếp cận nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước của thành phố.
Đây là một trong những nỗ lực của Công ty TNHH La Vie (La Vie) đồng hành cùng chính quyền và cộng đồng địa phương thực hiện chương trình quản lý nguồn nước theo tiêu chuẩn toàn cầu của Tổ chức quốc tế Alliance for Water Stewardship (AWS). Trong năm 2019, nhà máy Công ty La Vie tại Long An đã trở thành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức AWS cấp chứng nhận quốc tế về quản lý nguồn nước bền vững.
Các mục tiêu của chương trình AWS gồm: (1) Quản trị nước tốt; (2) Cân bằng nước bền vững; (3) Tình trạng chất lượng nước tốt; (4) Tình trạng lành mạnh của các khu vực quan trọng liên quan đến nước; (5) Sử dụng nước an toàn và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh công cộng.
Để thực hiện được các mục tiêu này, cần có sự tham gia của nhiều đơn vị, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, và các thành phần khác. Các nhà máy nước áp dụng tiêu chuẩn AWS cần hiểu, xác định được vấn đề thách thức, cơ hội và rủi ro; đưa ra kế hoạch hành động cụ thể giải quyết hoặc giảm thiểu các thách thức rủi ro đó đối với lưu vực nước của nhà máy, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển nguồn nước bền vững.
Mời đọc thêm:
Saigon Co.op và Big C bán nước đóng chai không lợi nhuận tại Hà Nội
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận