Quản lý năng lượng sẽ là "chìa khóa" thành công của các doanh nghiệp SME
Quản lý năng lượng là một trong những lĩnh vực then chốt và là một phạm trù mà các SME cần phải tối ưu hóa để không chỉ dẫn đầu cuộc chơi, mà còn là để doanh nghiệp có thể tồn tại.
Trong một thế giới đầy thách thức ngày nay khi các doanh nghiệp phải “chiến đấu” để duy trì tăng trưởng thị phần trong một nền kinh tế bị suy yếu bởi đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19, việc duy trì sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là rất quan trọng đối với sự ổn định và tăng trưởng lâu dài ở châu Á.
Tuy nhiên, khi nhìn về phía trước với triển vọng kinh tế phục hồi, nếu các SME không giải quyết được "bài toán" về cơ sở hạ tầng kinh doanh, vốn đe dọa khả năng phục hồi và cạnh tranh của doanh nghiệp khi nền kinh tế trở lại bình thường, thì sẽ gặp thất bại.
Các SME đóng góp lớn cho sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các SME chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp, đóng góp đáng kể cho lực lượng lao động khi cung cấp đến 2/3 việc làm trong lĩnh vực tư nhân.
Các con số trên không chỉ chứng tỏ tầm quan trọng của các SME đối với nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, mà còn cung cấp một “cánh cửa” cơ hội cho các doanh nghiệp trên một thị trường trực tuyến cũng như truyền thống mà vốn đang ngày càng đông đúc.
Quản lý năng lượng là một trong những lĩnh vực then chốt và là một phạm trù mà các SME cần phải tối ưu hóa để không chỉ dẫn đầu cuộc chơi, mà còn là để doanh nghiệp có thể tồn tại.
Trong giai đoạn biên độ lợi nhuận thu hẹp và cạnh tranh ngày càng tăng cao, phát triển một kế hoạch quản lý năng lượng sẽ cho phép SME cắt giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả và đảm bảo sự liên tục trong kinh doanh, cũng như đáp ứng một số tiêu chuẩn của chính phủ và người tiêu dùng xung quanh tính bền vững.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nguồn cung ứng năng lượng đang thay đổi. Năng lượng có xu hướng được xem là chi phí không thể tránh khỏi và cần lập ngân sách.
Mỗi năm, các doanh nghiệp thường chi một khoản tiền lớn cho chi phí năng lượng trực tiếp và thậm chí chi nhiều hơn cho việc sử dụng năng lượng gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng không hiệu quả và các nguồn cung ứng bên ngoài cũng như logistics.
*Lợi nhuận thu hẹp
Các SME thường tập trung vào việc tạo ra tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong ngắn hạn, trong khi dành ít thời gian và nguồn lực để đạt được hiệu quả đối với những hoạt động vận hành cơ bản.
Điều này có thể hiểu được nhưng thực tiễn cho thấy các SME có thể cải thiện đáng kể năng suất và năng lực cạnh tranh nếu họ giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên bằng cách áp dụng một số công nghệ hiện nay – vốn trước đây chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn.
Nền kinh tế tái thiết lập sau đại dịch COVID-19 sẽ khuyến khích các SME xem xét kỹ lưỡng việc biên độ lợi nhuận thu hẹp hơn. Một kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả có thể là yếu tố khác biệt chính tạo ra lợi nhuận, cho phép các SME tiết kiệm tới 50% chi phí năng lượng.
Những khoản tiết kiệm có thể được chuyển thành tăng cường lợi thế cạnh tranh, như cải thiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), marketing hoặc những chiến lược phục hồi kinh doanh.
Đồng thời, các cổ đông, nhân viên và người tiêu dùng ngày càng kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.
Khi mức độ cấp bách ngày càng tăng trong việc đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chính phủ các nước trong khu vực đang nỗ lực triển khai những chính sách nhằm đảm bảo các SME giảm sử dụng năng lượng và khí thải.
Ví dụ, Singapore áp thuế carbon đối với lượng phát thải quy mô lớn và thành lập một trung tâm hỗ trợ các SME quản lý tốt hơn việc sử dụng năng lượng. Những biện pháp trên đang được thực hiện trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các doanh nghiệp SME còn có thể đón đầu sự thay đổi chính sách nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn trước khi chúng có hiệu lực. Những công ty thực hiện được điều này sẽ ở vị trí dẫn đầu trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu khắt khe hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải, và tiếp tục thu hút những khách hàng "thông thái" với yêu cầu ngày càng cao về trách nhiệm môi trường
*Quản lý chủ động
Các doanh nghiệp SME đang nỗ lực phát triển và cạnh tranh thường cho rằng quản lý năng lượng đòi hỏi phải thay đổi sản xuất triệt để, đầu tư lớn hoặc tổ chức lại về mặt địa lý hay văn hóa. Nhận thức thiếu chính xác này làm nhiều SME “chùn bước” trong thực hiện việc quản lý năng lượng.
Công nghệ số hóa có thể đưa ra những kế hoạch quản lý nhu cầu sử dụng năng lượng theo dạng dữ liệu, chi phí thấp cho các doanh nghiệp SME, và có thể dùng nó để phân tích cho các lĩnh vực hoạt động chính.
Các quyết định dựa trên số liệu sẽ cho phép các doanh nghiệp SME có thể ít phải ứng phó và chủ động hơn trong việc lựa chọn sử dụng nguồn năng lượng. Thông qua việc có thể dự đoán và hạn chế các vấn đề, cải thiện dự báo và quyết định mua hàng cũng như giảm thời gian ngừng nghỉ, SME có thể sẽ đạt được các mục tiêu lợi nhuận và môi trường.
Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy 48% doanh nghiệp trên toàn cầu không có kế hoạch quản lý năng lượng, và số lượng này ngày càng tăng khi quy mô các công ty sụt giảm. Điều này làm các nền kinh tế khu vực lo ngại và sẽ cần tối ưu hóa để phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi tư duy của các công ty lớn và đa quốc gia, khi họ đang tìm cách cắt giảm chi phí do đối mặt với những bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đồng thời đây cũng là thời điểm quan trọng đối với các doanh nghiệp SME đang tìm cách củng cố lợi thế cạnh tranh, tăng lợi nhuận, đáp ứng những thay đổi kỳ vọng của chính phủ và khách hàng cũng như đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh, nhằm thiết lập một kế hoạch quản lý năng lượng theo hướng kỹ thuật số để giúp kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại tăng trưởng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận