menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trọng Vinh

Quản lý chặt việc sử dụng nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội được xây dựng để hỗ trợ, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp. Vì vậy, loại hình nhà ở này được Nhà nước hỗ trợ thông qua ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng, lãi suất vay... nhằm giảm giá bán nhà.

Nhiều trường hợp sử dụng không đúng mục đích

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội có số lượng rất lớn, đa dạng về thành phần, như: Người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, công chức, viên chức... Thời gian qua, việc phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở xã hội luôn được thành phố quan tâm. Nhiều dự án nhà ở xã hội (đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) đã được nhà đầu tư là các doanh nghiệp triển khai.

Qua thống kê, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng, tương đương hơn 1,2 triệu mét vuông sàn (12.659 căn hộ). Ngoài ra, hiện còn 43 dự án đang triển khai với khoảng 3,56 triệu mét vuông sàn (49.721 căn hộ). Mặc dù thành phố Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội, song nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu. Trong khi đó, chính sách an sinh này đã bị một số đối tượng lợi dụng.

Theo quy định, để được thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội, người dân cần có các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện, như thuộc đối tượng được hỗ trợ, thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc nhà ở không bảo đảm điều kiện sống... Trên cơ sở đó, chủ đầu tư, Sở Xây dựng xét duyệt hồ sơ đăng ký. Theo Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành, về cơ bản, việc xét duyệt được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Nhưng qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và chính quyền các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp sử dụng không đúng mục đích, như bán, cho thuê lại, không sử dụng căn hộ... Điển hình như tại dự án nhà ở xã hội ngõ 622 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) phát hiện 57 trường hợp; dự án nhà ở xã hội tại ô đất CC-1, lô đất N1+N3 Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có 65 trường hợp; dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp và Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm) có 158 trường hợp... Tại dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội số 30 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), còn xảy ra tình trạng cải tạo thông 2 căn hộ.

Tăng cường các giải pháp quản lý

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Bùi Tiến Thành cho hay, chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã nơi có dự án nhà ở xã hội chưa làm tốt việc giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Khi phát hiện, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc xử lý vi phạm theo quy định...

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nêu ý kiến, nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ để giảm giá bán, giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội có cơ hội an cư. Vì vậy, phải có chế tài phạt nặng trường hợp sử dụng không đúng mục đích, không để chính sách bị trục lợi.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Chuyên đề nhằm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định 5 giải pháp cụ thể, trong đó tập trung tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng để kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội. Khi phát hiện trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, các địa phương và chủ đầu tư thông báo tới Sở Xây dựng để xử lý. UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư cần tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội, giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà. Thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố thông qua quản lý nhân khẩu, kiểm tra thường xuyên, xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích nhà ở xã hội.

Về phía Sở Xây dựng, ông Mạc Đình Minh cho biết, Sở đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu các đối tượng đã được hưởng chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Khi chủ đầu tư báo cáo danh sách dự kiến xét duyệt được mua, thuê nhà ở xã hội, Sở sẽ kiểm tra nhằm loại trừ trường hợp một người được hỗ trợ nhiều lần và trường hợp không đúng đối tượng. Sở Xây dựng cũng lập kế hoạch kiểm tra các nhà chung cư nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại