24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hải Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quan hệ Mỹ-Hàn sau những rạn nứt: Lối đi nào cho "cặp bài trùng" Biden-Moon?

Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng là người sẽ vực dậy quan hệ đồng minh truyền thống Washington-Seoul sau những rạn nứt.

Sau chiến thắng trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, giới quan sát nhận định, đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, cả Mỹ và Hàn Quốc đều có lãnh đạo cao nhất thuộc đảng cánh tả.

Tổng thống Joe Biden của Mỹ và Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc được truyền thông ca ngợi là những nhân tố quan trọng giúp củng cố liên minh Washington-Seoul sau một nhiệm kỳ đầy thách thức của Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm.

Giới phân tích cho rằng, quan hệ Mỹ-Hàn có thể phát triển vững chắc và cất cánh bay cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào Tổng thống Joe Biden.

Bàn cờ chính trị khu vực rối ren

Chính sách đối ngoại phần lớn tập trung vào vấn đề chính trị trong nước, quan hệ liên Triều, chủ nghĩa dân tộc và quyền tự chủ trước các cường quốc của Tổng thống Moon Jae-in đã khiến Seoul trở thành “người chơi cờ” trong bàn cờ chính trị đầy phức tạp.

Trong vấn đề hòa giải liên Triều, Seoul đã có những động thái ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng vào năm 2018, thể hiện qua cái bắt tay lịch sử của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Với ưu tiên hòa giải quan hệ liên Triều và giảm sự phụ thuộc vào quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in và những người theo chủ nghĩa dân tộc tin rằng, nếu quan hệ liên Triều được cải thiện, Hàn Quốc sẽ ít phụ thuộc vào Mỹ hơn, và hai miền Triều Tiên có thể cùng gây áp lực buộc Nhật Bản phải “hối cải” về những sai lầm trong chiến tranh trước đây.

Trong bối cảnh bàn cờ chính trị khu vực những năm gần đây trở nên phức tạp hơn do cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung gia tăng và các nước trong khu vực buộc phải “chọn bên”, Hàn Quốc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nếu xa lánh một trong hai nền kinh tế mạnh nhất toàn cầu, an ninh và kinh tế quốc gia của xứ sở kim chi được cho là sẽ chịu nhiều thiệt hại.

Tháng 10/2020, Washington đã yêu cầu các đồng minh và đối tác cấm các hoạt động của gã khổng lồ công nghệ Huawei đến từ Trung Quốc. Trong một động thái nhằm đáp trả, Bắc Kinh đã gây sức ép lên Seoul, buộc chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in phải hợp tác trong việc phủ sóng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).

Thay vì nghiêng hẳn sang một bên, Seoul lựa chọn đứng giữa trong cuộc xung đột khi vừa đẩy lùi áp lực của Washington về việc cấm 5G của Huawei, mặt khác vẫn thừa nhận tầm quan trọng của sáng kiến do Mỹ chủ trương nhằm thay thế các mạng viễn thông của Trung Quốc. Dù vậy, quyết định trung lập của Seoul trong vấn đề trên đã được giới chức Mỹ nhìn nhận là thiếu quyết đoán.

Sắp tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thiết lập sáng kiến đa phương của “kiềng ba chân” Mỹ-Nhật-Hàn nhằm kìm chế Triều Tiên. Điều này có thể khiến ông Moon Jae-in – người ủng hộ hòa giải liên Triều với khát vọng về một tương lai hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, sẽ trở nên khó xử.

Ngoài ra, việc tham gia sáng kiến đa phương nhằm kiềm chế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đẩy Seoul vào tình huống bị Bắc Kinh chèn ép về kinh tế và thương mại.

Do đó, tờ Foreign Affairs nhận định, với chủ nghĩa dân tộc luôn bừng cháy, ông Moon Jae-in sẽ phải tìm cách né tránh tham gia các sáng kiến đa phương của Mỹ, hoặc sẽ phải tham gia sáng kiến của cả Washington và Bắc Kinh, cũng như tránh đối đầu với Triều Tiên.

Nếu Mỹ dành cho Hàn Quốc ít không gian để “trổ tài” làm người chơi cờ điêu luyện, chắc chắn Washington sẽ được lợi nhiều hơn trong việc tạo ra thế trận chiến lược chung, với Seoul là mắt xích chiến lược quan trọng, từ đó tạo đòn bẩy cho quan hệ song phương phát triển vững chắc và bay xa hơn.

Tương lai cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Những đòn trừng phạt được Tổng thống Donald Trump liên tiếp đưa ra trong thời gian vừa qua và sắp tới là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden – chính trị gia có quan điểm cứng rắn trong vấn đề phi hạt nhân hóa, được cho là sẽ làm cho tiến trình hoà bình thêm trầm trọng.

Để tránh đi vào ngõ cụt, Hàn Quốc buộc phải phủ quyết đòn trừng phạt hiện có, hoặc ngăn chặn những đòn trừng phạt trong trường hợp không quá nghiêm trọng. Thêm vào đó, Seoul cần vận động hành lang để kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Theo phân tích của giới học giả, Seoul có thể dùng việc tham gia sáng kiến đa phương của Mỹ để đổi lấy sự nhượng bộ từ Tổng thống Joe Biden về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 78 tuổi là người có nguyên tắc về chính sách đối ngoại, vì thế, mặc dù đã cam kết nhượng bộ với Seoul, song ông Biden vẫn đòi hỏi phía Bình Nhưỡng phải có động thái tích cực và tạo tín hiệu đáng tin cậy trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang gấp rút thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo khi chỉ còn vỏn vẹn 1 năm trong nhiệm kỳ tổng thống. Chính vì điều đó, ông Moon được nhận định là phải nhượng bộ các hành vi của Triều Tiên và nhượng bộ vấn đề phi hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo, vốn được cho là nhạy cảm và quan trọng nhất trong tiến trình hòa giải liên Triều.

Với mong muốn rời nhiệm sở với tư cách là nhà kiến tạo hòa bình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang cố gắng mở ra một tiến trình hòa bình lịch sử bằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên sau 2 Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Hà Nội.

Tuy nhiên, điều ông Moon hằng mong muốn sẽ khó có thể trở thành sự thật. Việc người đồng cấp Mỹ yêu cầu phi hạt nhân hóa trước tiên là một tín hiệu tích cực để tiến hành chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Do đó, việc khó nhất ông Moon sẽ phải làm là thuyết phục ông Biden gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên và thuyết phục người đồng cấp về tiến trình phi hạt nhân hóa, cùng với những nhượng bộ tương xứng khi gặp phía Mỹ trên bàn đàm phán.

Seoul đang cố gắng đẩy nhanh cuộc gặp 4 bên Mỹ-Hàn-Nhật với Triều Tiên bên lề Olympic năm 2021. Bất chấp sự cố gắng của Hàn Quốc, phía Triều Tiên luôn yêu cầu điều kiện tiên quyết để Bình Nhưỡng tham gia vào cuộc đàm phán là “dọn dẹp” thứ mà ông Kim Jong-un cho rằng là “chính sách thù địch của Mỹ” với những cuộc tập trận do Washington khởi xướng nhằm chống lại Bình Nhưỡng, cũng như yêu cầu dỡ bỏ cấm vận và chỉ trích các cá nhân có liên quan đến quốc gia này.

Có thể thấy, mối quan hệ Mỹ-Hàn đã bị sứt mẻ nghiêm trọng trong thời gian vừa qua vì những toan tính của cả 2 bên. Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Moon Jae-in, hoặc thậm chí là chính phủ kế tiếp, cần xây dựng những giá trị và cam kết chung với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhằm tạo ra liên minh vững chắc trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả