Quan điểm đối lập của bị hại về bồi thường tại vụ án Trịnh Văn Quyết
Trong gần 100.000 nhà đầu tư được triệu tập chỉ 5 người có mặt trình bày tại tòa, nêu hai quan điểm "xin cho ông Quyết sớm về gây dựng lại công ty" hoặc muốn nhận bồi thường ngay.
Ngày 24/7, TAND Hà Nội tiếp tục đề nghị các bị hại, nhà đầu tư đăng ký tham dự phiên tòa. Danh sách triệu tập lên tới gần 100.000 người, nhưng trong ngày đầu chỉ khoảng 30 người có mặt, giảm dần theo từng ngày.
Hôm nay, ngày xét xử thứ ba, khu vực rạp ngoài trời đã được tháo dỡ. Chỉ 5 nhà đầu tư có mặt trong hội trường xét xử chính, được trình bày quan điểm về vụ án.
Ngày 22/7, rạp ngoài trời được TAND Hà Nội bố trí cho các nhà đầu tư theo dõi phiên tòa. Ảnh: Viết Tuân
Ông Vũ Xuân Hòa, 61 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội cho hay bắt đầu mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros vào thời điểm dịch Covid-19, khoảng năm 2019, tích lũy dần để có 1.300 cổ phiếu. Trước khi mua, ông không biết ông Quyết hay bất cứ nhân viên nào của tập đoàn FLC.
Do mua cổ phiếu sau năm 2017, ông Hòa được tòa xác định là người liên quan, không phải bị hại. Nhà đầu tư 61 tuổi này nói vẫn đang nắm giữ cổ phiếu nên "chưa có thiệt hại". Ông do đó xin giảm nhẹ cho bị cáo Trịnh Văn Quyết để sớm trở về tiếp tục sản xuất kinh doanh, "để cổ phiếu ROS tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán".
Theo cáo trạng, ông Quyết thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái. Trong đó Faros, là công ty được ông mua lại năm 2011, vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng, sau hai năm nâng khống thành 4.300 tỷ vốn điều lệ. 5 tháng sau khi ông Quyết bị bắt, cổ phiếu ROS bị đình chỉ giao dịch, từ tháng 8/2022.
Tại phiên tòa sáng nay, một nhà đầu tư cao tuổi khác, ông Trần Mạnh Dũng, trú Thanh Hóa, cũng đề nghị tòa giải quyết vụ án sớm để bị cáo Quyết "sớm về giải quyết công việc". Vì theo ông, cựu chủ tịch FLC mới là người xử lý "nhanh và hiệu quả nhất".
Ông Hòa đang sở hữu 13 cổ phiếu ROS.
Cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị dẫn giải tới tòa, sáng 24/7. Ảnh: Ngọc Thành
Trong quan điểm trái ngược, ông Lưu Quang Hưng, 50 tuổi, trú quận Thanh Xuan, Hà Nội, hiện sở hữu 150.000 cổ phiếu ROS, nói: Với tư cách cổ đông, tôi không còn muốn đồng hành cùng Faros vì "hoàn toàn mất niềm tin".
Trước khi đầu tư vào Faros, ông Hưng nói đã nghiên cứu báo cáo tài chính của công ty được đăng công khai trên website của Faros và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Ông tin tưởng đây là những báo cáo "đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát và kiểm tra, hoàn toàn hợp lệ".
Song thực tế, theo cáo buộc của cơ quan công tố và lời khai của các bị cáo tại tòa, 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Faros được gây dựng trên những báo cáo tài chính gian dối.
"Thực sự quá sửng sốt bất ngờ. Một số tài sản đã công bố, chắc chắn là ảo, còn những tài sản còn lại chúng tôi cũng không biết nó là gì", ông Hưng nói.
Cổ phiếu ROS lúc lên đỉnh có giá tới hơn 180.000 đồng, sau đó giảm còn vài nghìn đồng và rồi bị hủy niêm yết. Theo ông Hưng, 150.000 cổ phiếu đang nắm giữ giờ "muốn cho cũng chả ai buồn nhận. Vậy tôi có phải là bị thiệt hại không, thưa tòa?".
Nhà đầu tư này do đó đề nghị HĐXX xác định mình tư cách bị hại, chứ không phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Chiều qua, đại diện Tập đoàn FLC cho biết họ không có quan hệ trực tiếp với Faros hay Công ty chứng khoán BOS. Đến phiên tòa, đại diện công ty mới được được nghe cáo trạng. "FLC cũng không nhận khoản tiền nào từ các bị cáo phạm tội mà có", vị này khẳng định.
Bị cáo Trần Thế Anh, cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, sáng 24/7. Ảnh: Ngọc Thành
Cũng tại phiên tòa, hôm qua đại diện Faros cho hay "công ty vẫn hoạt động, bình thường, sẵn sàng họp đại hội cổ đông".
Nhắc lại điều này của Faros, nhà đầu tư Hưng phản đối và cho rằng "câu chuyện ở Faros không bình thường" như vậy. "Từ khi ban lãnh đạo chủ chốt bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công ty không hoạt động bình thường chút nào", ông nói.
Theo ông Hưng, Faros không làm các báo cáo để gửi theo quy định áp dụng với một công ty đại chúng quy mô lớn, hơn 60.000 cổ đông. Ban lãnh đạo công ty thay đổi mấy lần, ban lãnh đạo mới được bầu lên cũng lần lượt xin nghỉ hết. Gần đây nhất 2 trong 3 thành viên Ban kiểm soát xin nghỉ, theo luật thì công ty sẽ phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu lại ngay nhưng cho đến giờ vẫn chưa có thông tin gì. Các cổ đông cố gắng liên hệ với ban lãnh đạo công ty không thể được...
Ông Hưng đang trình bày ý này thì bị tòa ngắt lời với lý do "đây không phải cuộc họp cổ đông Faros".
Trong phiên tòa chiều qua, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ước tính tài sản cá nhân hiện bị phong tỏa, kê biên lên tới 5.000 tỷ đồng (gồm bất động sản và cổ phiếu), có thể dùng để khắc phục hậu quả của vụ án - hơn 4.800 tỷ đồng.
Sáng nay, ông Hưng nhắc lại lời ông Quyết và đề nghị hãy dùng các tài sản đó "mua lại cổ phiếu của những người không muốn đồng hành với công ty nữa", trong đó có mình.
"Ai mong muốn tiếp tục đồng thành với Faros thì xin mời. Còn tôi yêu cầu ông Quyết mua lại cổ phiếu của ROS mà tôi "trót mua" và đang bị kẹt", ông Hưng nói.
Trong 5 người đến tòa, ngoài 3 người trên, hai người còn lại đến từ TP HCM và Đà Nẵng, sở hữu tổng gần 100.000 cổ phiếu ROS, cùng yêu cầu được trả lại tiền do "quá mệt mỏi" với việc cổ phiếu bị hủy niêm yết, toàn bộ tài sản đầu tư hợp pháp đến nay không lấy ra được. Họ cho hay đầu tư vì tin tưởng ROS nằm trong nhóm VN30.
Đến sáng nay, ngày làm việc thứ ba, phiên tòa đã xong 3 lượt xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS và gần 100 luật sư đối với 50 bị cáo cùng người liên quan.
Chiều nay tòa tạm nghỉ, sáng mai VKS sẽ công bố nội dung luận tội.
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, ông Quyết thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros, là công ty dược ông mua lại năm 2011, vốn ban đầu 1,5 tỷ.
Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền, đùng chứng từ góp vốn giả để nâng khống vốn. Kết quả sau 2 năm, 2014-2016, Faros có 4.300 tỷ vốn điều lệ, song hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".
Ông Quyết sau đó tiếp tục chỉ đạo lo lót để Faros vượt qua ba vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết cũng chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC, dùng 500 tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè họ hàng, để mua đi bán lại số lượng lớn, tạo cung cầu ảo, chi phối thị trường. Song tất cả các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền cấp khống bởi BOS - công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái FLC.
Sau 5 năm "tạo sóng", úp sọt hơn 60.000 nhà đầu tư, ông Quyết bị cáo buộc, thu lợi hơn 700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận