24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lâm An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Quân bài” Biden "thả lỏng" trong ván cược trừng phạt Nga

Chính quyền Mỹ Joe Biden có thể sẽ không nhắm đến khả năng trừng phạt ngành dầu khí của Nga do quan ngại về những tác động to lớn đối với hoạt động kinh tế của các nước đồng minh châu Âu, thị trường dầu khí toàn cầu cũng như chính người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, Washington dự định sẽ tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính của Moskva bất chấp Nga vẫn biết cách "né đòn" khi núp sau lưng "người anh em Trung Quốc".

Biden tìm bài toán trừng phạt

Khi đặt cược vào con bài dầu khí này, Mỹ hy vọng rằng việc tiếp tục "thả lỏng" cho lĩnh vực khai thác và xuất khẩu dầu khí của Nga - nước sản xuất dầu thô lớn thứ 3 thế giới - ngay cả khi Tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh tấn công Ukraine, sẽ giúp ghìm cương giá dầu đang tăng mạnh trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, điều này cũng giúp giảm thiểu những tổn thất và gánh nặng chi phí đối với người tiêu dùng của Mỹ.

Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đang hy vọng rằng nguồn cung dầu thô sản xuất trong nước và những nỗ lực phối hợp với các nước đồng minh nhằm tăng nguồn cung sẽ giúp né tránh được tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine lên giá dầu. Một giới chức Mỹ giấu tên trấn an: "Có lý do để hy vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này mà không chịu quá nhiều thiệt hại và chắc chắn đây là điều mà chúng ta tiếp tục theo dõi sát sao".

Theo giới chức Mỹ, chính quyền Biden đã tính đến những giải pháp nhằm bình ổn giá dầu trên thị trường trong nước và toàn cầu nếu Nga tấn công Ukraine, bao gồm mở kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ và hạn chế xuất khẩu dầu thô. Quan chức giấu tên nói trên tiết lộ rằng quyết sách đối với những giải pháp nói trên sẽ được đưa ra dựa trên diễn biến tình hình thực tế.

Theo nhận định của Reuters, lĩnh vực dầu khí của Nga vốn rủng rỉnh thêm trong hầu bao sau đợt tăng giá dầu gần đây trên thị trường toàn cầu là một mục tiêu "béo bở" cho các đòn trừng phạt của Mỹ như cách mà Washington từng áp dụng đối với Venezuela và Iran. Tuy nhiên, làm như vậy chẳng khác nào Biden "đánh đòn" chính người dân Mỹ vốn đang gánh chịu thiệt hại khi giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, kéo theo tình trạng lạm phát tăng cao của Mỹ. Hậu quả tiếp đó sẽ đè lên đôi vai của Biden với vô vàn khó khăn trong nước mà ông sẽ phải đối mặt, từ vấn đề chính trị đến kinh tế và an sinh xã hội.

Trong những tháng qua, khi Nhà Trắng hoạch định cùng đồng minh gói trừng phạt đối với Nga, Washington đã nỗ lực tránh hoặc ít nhất giảm thiểu tối đa những cú sốc kinh tế tiêu cực và những cú phản đòn đau đớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ngoài ra, một nguồn tin giấu tên khác cho hay giới chức Mỹ cũng không muốn mất đi nguồn cung dầu khí từ Nga vào thời điểm giá xăng ở Mỹ đang tăng vọt. Tổng thống Biden hôm 22/2 khẳng định việc chính quyền Mỹ nỗ lực ghìm cương giá dầu khí tăng cao do khủng hoảng Ukraine là nhiệm vụ "thiết yếu".

Nga "né đòn"

Mặc dù không nhắm vào lĩnh vực dầu khí song Mỹ đã sẵn sàng chuẩn bị tung ra hàng loạt đòn trừng phạt vào các thể chế và công ty tài chính chủ chốt của Nga, cấm các thực thể này tiếp cận các giao dịch bằng đồng USD và tiếp cận các thị trường toàn cầu để thực hiện các hoạt động thương mại, xuất khẩu năng lượng và cung cấp tài chính. Tuy nhiên, hiện không rõ các đòn trừng phạt của Mỹ và các đồng minh có thể gây sức ép đối với Moskva ở mức độ nào.

Bản đánh giá số liệu thương mại do Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc phân tích cho thấy Trung Quốc đã nổi lên trở thành điểm đến lớn nhất cho các mặt hàng xuất khẩu của Nga kể từ khi Mỹ và phương Tây đánh đòn trừng phạt Moskva, ở quy mô nhẹ nhàng hơn, sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.

Theo nhận định của ông Harry Broadman - từng là nhà đàm phán thương mại Mỹ và có kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Nga khi làm việc cho Ngân hàng Thế giới, các đòn trừng phạt mới có thể khiến Moskva thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thương mai với Bắc Kinh với những giao dịch không dùng đồng bạc xanh của Mỹ. Đây chính là cách "né đòn" của Moskva. Ông Harry Broadman phân tích: "Vấn đề là những đòn trừng phạt nhắm vào lĩnh vực dầu khí của Nga sẽ bị ‘thủng lưới’. Trung Quốc có thể nói rằng họ sẽ mua dầu trên thi trường mở và nếu dầu của Nga cũng bán trên thị trường này thì không bắt bẻ gì được họ".

Theo một sắc lệnh hành pháp Tổng thống Biden ký hôm 21/2, bất kỳ thể chế tài chính nào của Nga cũng là mục tiêu của các đòn trừng phạt bổ sung của Mỹ. Nhà Trắng lưu ý hiện hơn 80% giao dịch ngoại hối hàng ngày của Nga và 50% giao dịch thương mại của nước này được thực hiện bằng đồng USD. Biden tuyên bố ông sẽ "hành động mạnh mẽ để đảm bảo rằng chính nền kinh tế Nga, chứ không phải kinh tế của Mỹ và đồng minh, sẽ phải chịu vố đau do các đòn trừng phạt gây ra".

Thế nhưng, nói thì có vẻ dễ hơn làm. Nga đã chuyển hướng thị trường xuất khẩu của mình trong thời gian qua. Đánh giá về thương mại của Nga do một bộ phận của Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy Nga đã giảm sự phụ thuộc vào hoạt động thương mại trong vòng 20 năm qua. Ngoài ra, nếu như cách đây 10 năm, Hà Lan là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nga thì giờ đây, Trung Quốc đã vươn lên soán ngôi vị này của Hà Lan. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu của Đức và Anh đối với hàng hóa của Nga vẫn diễn ra đều đặn còn nhập khẩu của Belarus đối với hàng của Nga đã tăng lên. Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp nhập khẩu hàng đầu của Nga với các mặt hàng nhập khẩu gồm điện thoại, máy tính, thiết bị viễn thông, may mặc và hàng điện tử.

Nói cách khác, ngay cả khi Mỹ trừng phạt Nga thì Moskva vẫn có thể tìm thấy bạn hàng của mình.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả