"Quái lạ! Sao đất của tôi mà phải xin ý kiến cháu khi bán?!"
Nhiều người bày tỏ bất bình khi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có khái niệm "hộ".
Việc lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được các địa phương triển khai nhanh chóng và đồng bộ để khi ban hành có sự hoàn thiện nhất. Một trong nhiều nội dung đáng chú ý, đó là giữ hay bỏ câu "hộ gia đình sử dụng đất".
Nêu ý kiến ngày 15-2 tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức, bà Ung Thị Xuân Hương - nguyên Chánh án TAND TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM – thông tin vấn đề "hộ gia đình sử dụng đất" gây tranh cãi rất nhiều vì ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Bà Hương nêu quan điểm ủng hộ dự thảo lần này bỏ khái niệm "hộ gia đình".
Tương tự, bà Trịnh Thị Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre, nói bà rất băn khoăn. Phôi sổ đỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường in sẵn là cấp cho hộ gia đình, đến khi ai xin cấp, dù là vợ chồng hay cá nhân thì cũng ghi là "hộ". Từ chuyện này phát sinh hàng nghìn vụ tranh chấp đất. Người dân tranh chấp với nhau rồi kiện ra tòa. Việc ăn chặn, ăn giật, bội tín cũng từ câu "cấp cho hộ" này.
Đó cũng là nỗi niềm của nhiều bạn đọc gửi tới Báo Người Lao Động. Bạn đọc Khuất Thái Khương nhận xét một chữ "Hộ" trong sổ đỏ mà gây ra biết bao hệ lụy, tốn biết bao nhiêu tiền bạc, thời gian, sức khỏe của người dân. Khương dẫn ngay trường hợp "xương máu" của mình khi mua đất thông qua đấu giá, hồ sơ đấu giá đứng tên cá nhân. Vậy mà lúc cấp sổ ghi "Hộ ông…", đến khi bán đi phải đi từ Nam ra Bắc 2 lần mới xong chỉ để làm giấy từ chối của đứa cháu nhập ở nhờ.
Bạn đọc Hà Lan thì "than thở": "Tôi cũng bị rơi vào tình trạng như thế này. Tôi mua của ông anh mảnh đất 5 năm nay không làm được sổ đỏ chỉ vì hai cháu đi làm ở nước ngoài".
Bạn đọc Thoanđoan tán thành phân tích bỏ "hộ" và đề nghị Bộ TN-MT tiếp thu. Bạn đọc này kể đất mua cách đây gần 20 năm, trong giấy ghi mỗi tên mình. Vậy mà bây giờ cần bán phải có vợ ký tên nên để làm các thủ tục phải từ TP HCM bay về quê, vừa rườm rà, vừa tốn kém.
Để khắc phục, nickname Congdanxyz… nêu ý kiến tài sản của ai làm ra thì ghi rõ trong giấy chủ quyền cấp cho người đó. Việc cấp cho "hộ" là hết sức vô lý. Theo bạn đọc này, đất, nhà do cha mẹ mua khi mới cưới nhau, khi sinh con ra nuôi con đến lớn con chả đóng góp gì nhưng bán nhà, bán đất phải có sự đồng ý của con, vô lý vậy mà vẫn tồn tại.
"...Tài sản của tôi sao lại phải có sự đồng ý của người khác?. Rồi chuyện khi đi vay tiền bắt cả họ đi ký tên, có người đi làm ăn xa trong nước, có người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì ký sao?" – bạn đọc này nêu tình huống.
Bạn đọc Vh kiến nghị: "Cần sửa đổi lại cho phù hợp, nếu không người có tài sản lại không có quyền quyết định, phải phụ thuộc vào vợ, chồng hoặc con là rất vô lý".
Mối nguy mâu thuẫn gia đình Bạn đọc Huyền kể trong gia đình mình, những thành viên đã được bố mẹ cho đất nhưng vẫn có tên trong hộ gia đình. Ngoài ra, hiện nay cũng không tách sổ đỏ hộ gia đình được do mảnh đất có 50% đất vườn (gắn với nhà ở từ ngày xưa). Chi phí chuyển đổi mục đích đất thì quá cao. Cũng không thể làm bất cứ văn bản đất đai nào nếu chưa chuyển đổi mục đích đất. "Nên tôi rất sợ sau này anh em trong gia đình mâu thuẫn. Rất mong Chính phủ xem xét trường hợp đất đai mang tên Hộ Gia Đình. Cảm ơn!" – bạn đọc Huyền mong mỏi. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận