Quá độ sinh thái và “bẫy điện năng”
Trong bài báo của Nguyễn Đăng Anh Thi (VNExpress), tác giả có nhận định “Một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia là cường độ sử dụng điện (electricity intensity), được đo bằng số kilowatt giờ (kWh) điện sử dụng để tạo ra một USD tăng trưởng GDP.”
Cũng theo tác giả, “Tỷ lệ này của Việt Nam gấp 1,2 lần so với Trung Quốc, gấp 1,4 lần Malaysia, 1,7 lần Thái Lan, 2,3 lần Philippines, 2,5 lần Indonesia, 3,1 lần Nhật Bản và gấp 4,3 lần Singapore.” Theo số liệu hiệu suất công nghiệp này, sự tụt hậu về trình độ sản xuất của Việt Nam so với Trung Quốc, indonesia...là khá cao. Tuy nhiên khi so với nền kinh tế hậu công nghiệp và dịch vụ như Singapore, Nhật Bản thì không phù hợp.
Tác giả đúng khi cho rằng, “Nếu không nhanh chóng thoát khỏi cái bẫy điện năng, Việt Nam sẽ chạy theo cái vòng luẩn quẩn thiếu điện, đầu tư nguồn và lưới điện, tăng trưởng, lại thiếu điện... như một căn bệnh kinh niên.”. Trong quy hoạch Điện VIII có một điểm mà tương lai cần điều chỉnh, đó là không cho người dân bán điện dư vào hệ thống lưới điện quốc gia. Điều này, thiển nghĩ, sẽ không khuyến khích người dân tự đầu tư năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời, qua đó chủ động tự cung cấp năng lượng hơn, góp phần thúc đẩy nhanh tốc độ đạt mục tiêu net-zero 2030-2050, và cùng lúc đảm bảo an ninh năng lượng (một hỗn hợp nguồn năng lượng hợp lý). Theo báo Công Thương, "Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)."
Ở ANH, Pháp (đã) và EU người dân có thể bán điện dư cho lưới điện quốc gia. Hiện ở Mỹ có hơn 40 tiểu bang cho phép người dân bán điện dư vào lưới điện quốc gia qua chính sách “net-metering”. Công tơ ròng (net-metering), là một cơ chế thanh toán tiền điện cho phép người tiêu dùng tự tạo ra một phần hoặc toàn bộ lượng điện của họ sử dụng lượng điện đó bất cứ lúc nào, thay vì khi nó được tạo ra. Làm vậy mới khuyết khích dân chúng đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, đẩy nhanh tốc độ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không, chống biến đổi khí hậu hiệu quả.
“Sản xuất của Việt Nam lạc hậu là do giá điện rẻ”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã phát biểu không sai nhưng bị “tấn công” bởi nhiều người chưa hiểu đúng. Vấn đề năng lượng (điện) của Việt Nam không chỉ là nhân tố thách thức nâng cấp mô hình tăng trưởng (có dịp bàn thêm), mà còn là việc tuyên truyền và xây dựng nhận thức cộng đồng về những vấn đề quan trọng của Đất nước. Tương lai của phát triển bền vững là dấu hỏi lớn khi Chủ nghĩa Dân tuý (đã và) đang cản trở các chính sách đúng đắn, nhưng lại là cơ hội cho nhóm lợi ích nhóm thao túng, điều mà nhiều người đã đề cập đến.
Trong khi “bẫy điện năng” là vòng luẩn quẩn của thay đổi mô hình tăng trưởng, bẫy “nghèo năng lượng” (energy poverty) sẽ là vấn đề của giá điện sạch, khi nó cao quá khả năng chi trả của nhiều người dân. Trợ giá (subsidies), nếu có, lại trở thành vấn đề của thâm hụt ngân sách (mới), mà chưa chắc đã đạt hiệu quả xanh hoá nền kinh tế như kỳ vọng. Đơn cử, khi chưa khử carbon điện lưới (decarbonization grid) thì trào lưu điện hoá di chuyển (electrified mobility) như xe điện sẽ càng thêm gia tăng phát thải nhà kính, và dĩ nhiên ảnh hưởng tiêu cực lên mục tiêu Net-zero. Và khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng sẽ đẩy giá bán lẻ lên cao hơn, vô hình trung biến điện trở thành hàng hoá xa xỉ với nhiều người yếu thế, gia tăng bất bình đẳng.
Bền vững thì không chỉ mỗi “xanh”, và luôn có những thách thức đa chiều (NCDT, KTSG). Cho nên, phát triển bền vững không chỉ quan tâm đến những vấn đề công lý và bình đẳng giữa các thế hệ, mà còn ngay chính trong một thế hệ, đặc biệt là với nhóm người yếu thế. Do vậy, “tăng trưởng bao trùm” chính là con đường “quá độ sinh thái” hướng tới đích đến phát triển bền vững của Việt Nam, cũng như một cách khéo léo tránh được “bẫy nghèo năng lượng” như hoàn cảnh của khoảng 35 triệu công dân EU (khoảng 8% dân số EU) đã không thể giữ ấm cho ngôi nhà của họ (Eurostat, 2020).
Chống biến đổi khí hậu là quan trọng, nhưng không phải là vấn đề duy nhất. Không phải tự nhiên mà trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc, mục tiêu số 1 là chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức ở mọi nơi và mục tiêu số 2 là chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Nếu không đảm bảo được an ninh lương thực và thu nhập tối thiểu đủ sống thì nhân loại sẽ không thể thoát nghèo và đương nhiên mục tiêu phát triển bền vững sẽ thất bại.
Thành ra, “Phát triển bền vững” là con đường có nhiều thách thức cũng như “cạm bẫy” chi phí khổng lồ mà những quốc gia còn nghèo, mà nếu không có những chiến lược khôn ngoan cũng như sự hỗ trợ của các nước phát triển, sẽ không cách nào gánh nổi.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận