Qatar cảnh báo Bỉ về cuộc điều tra nghi án hối lộ lãnh đạo EU
Một quan chức Qatar vừa nói rằng cuộc điều tra của Bỉ về cáo buộc Qatar tìm cách tác động lên Nghị viện châu Âu là dựa trên thông tin “không chính xác” và có thể “ảnh hưởng tiêu cực” đến quan hệ giữa hai quốc gia.
Tuyên bố được nhà ngoại giao của phái đoàn Qatar tại Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày 18/12, nhắc lại quan điểm bác bỏ cáo buộc quốc gia Vùng Vịnh này hành động sai trái.
“Qatar không phải bên duy nhất bị nêu tên trong cuộc điều tra, nhưng quốc gia chúng tôi bị chỉ trích và tấn công nhiều hơn cả. Chúng tôi thấy báo động nghiêm trọng trước sự lên án có chọn lọc nhằm vào quốc gia chúng tôi”, tuyên bố nêu rõ.
Theo thông tin trên báo chí, Ma-rốc cũng đang bị Bỉ điều tra.
“Thật đáng thất vọng khi chính phủ Bỉ không có nỗ lực nào nhằm trao đổi với chính phủ của chúng tôi để tìm hiểu sự thật sau khi họ nắm được các cáo buộc”, nhà ngoại giao Qatar bày tỏ.
Bốn người, trong đó có Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Eva Kaili, bị giới chức Bỉ buộc tội, sau khi lực lượng điều tra nước này triển khai hàng loạt chiến dịch lục soát, tịch thu khoảng 1,5 tỷ euro.
Cơ quan công tố nói rằng số tiền này là một phần của chiến dịch gây ảnh hưởng của một quốc gia Vùng Vịnh, sau đó nhiều cơ quan báo chí nêu tên Qatar, quốc gia đăng cai World Cup 2022.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu để đình chỉ tư cách của đại diện Qatar tại cơ quan này. Các nghị sĩ châu Âu cũng dừng các công việc lập pháp liên quan đến Qatar, bao gồm miễn visa cho người Qatar và Kuwait vào châu Âu và một thỏa thuận hàng không giữa EU với Qatar.
Nhà ngoại giao Qatar chỉ trích những bước đi này, cho rằng vẫn còn quá sớm.
“Quyết định áp những biện pháp hạn chế không phân biệt, làm hạn chế đối thoại và hợp tác với Qatar trước khi kết thúc quy trình pháp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hợp tác an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như những cuộc thảo luận đang diễn ra về vấn đề năng lượng, đói nghèo và an ninh”, nhà ngoại giao Qatar tuyên bố.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh quan hệ hợp tác gần gũi giữa Qatar với Bỉ, nhất là việc Qatar là một nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng quan trọng của Bỉ.
Bà Kaili, một chính trị gia người Hy Lạp, bị bãi nhiệm chức vụ sau khi bị bắt. Bà cũng bị bãi nhiệm tư cách thành viên của đảng xã hội Hy Lạp Pasok.
Qatar khẳng định chính phủ của họ đã “làm việc thông qua trao đổi giữa các định chế và thực hiện theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận