PTT Trương Hoà Bình: Loại khỏi bộ máy những cán bộ quản lý thị trường tha hóa, biến chất
Năm 2020 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Chiều 13/1, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận định, năm 2020 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường cần quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, tăng cường thanh tra kiểm tra và loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, phối hợp kết nối chia sẻ thông tin với lực lượng chức năng; tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự và sửa đổi, tăng phạt các vi phạm hành chính...
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, lực lượng cũng đã phát hiện, xử lý trên 90 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng, tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018; trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn. Bên cạnh đó, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, hợp tác đối ngoại tiếp tục được Tổng cục Quản lý thị trường quan tâm, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, việc cắt giảm về tổ chức và nhân sự ngay tại thời điểm thành lập Tổng cục khiến việc chuyển giao, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự gặp một số khó khăn, lúng túng. Đồng thời, gây xáo trộn về tổ chức, ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sáp nhập.
Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức quản lý thị trường chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến việc tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý…
Bên cạnh đó, việc buôn bán nhập lậu hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra khắp nơi nhưng việc chia sẻ thông tin chưa thực sự hiệu quả, khâu phối hợp mặc dù có quy chế, phối hợp trong hoạt động còn nhiều vấn đề chưa tốt. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau hội nghị, Bộ Công Thương sẽ cũng Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức quán triệt xây dựng cụ thể thành các chương trình hành động trong năm 2020 theo hướng: phát huy tốt hơn nữa những thành tích, những kết quả tích cực mà lực lượng quản lý thị trường đã đạt được trong năm 2019 đồng thời khắc phục những tồn tại, yếu kém.
Trước những yêu cầu mới của năm 2020, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, lực lượng quản lý thị trường không chỉ gói mình ở nhiệm vụ trong nước mà còn nhiều nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập, hợp tác quốc tế. Cụ thể như chống gian lận thương mại, chống gian lận xuất xứ hàng hóa hay đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới…để đảm bảo môi trường ổn định hòa bình và lành mạnh giữa Việt Nam với thế giới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, lãnh đạo Bộ và Tổng cục Quản lý thị trường sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể để đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái đang ngày càng nhiều thủ đoạn tin vi phức tạp gây thất thoát cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh chia sẻ: Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát, phối hợp các lực lượng chức năng khác.
Với sự chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.
Năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã tấn công vào những điểm nóng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đó chưa bao giờ làm được. Những vụ việc lớn cho thấy, lực lượng quản lý thị trường đã khắc phục được điểm yếu về chia cắt theo địa bàn; tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.
Năm 2019, Tổng cục đã cắt giảm 4 đơn vị trực thuộc, giảm 16 Cục cấp tỉnh, tinh giản 165 đội quản lý thị trường cấp huyện..."Việc tinh giản không làm yếu đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa mà còn giúp lực lượng quản lý thị trường ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp, đủ sức đánh vào những tổ chức đã thành hệ thống, những trung tâm đầu nậu, trọng điểm về buôn lậu hàng gian, hàng giả”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Xác định năm 2020 là một năm nhiều khó khăn, khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung, đẩy mạnh việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thị trường nội địa; trong đó, đặc biệt chú trọng đến chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận xuất xứ hàng hóa./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận