PPP y tế khó thu hút nhà đầu tư
Đầu tư PPP đang là hướng đi tốt cho tất cả các ngành, đặc biệt là ngành y tế. Thời gian qua, nhiều NĐT đánh giá đây là lĩnh vực rất tiềm năng, trong khi danh mục dự án y tế gọi vốn theo hình thức PPP cũng ngày một dài thêm. Song trên thực tế, số dự án tri
Nặng về hạ tầng, bỏ quên dịch vụ
Ông Lê Minh Sang - chuyên gia về lĩnh vực y tế, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại trong danh mục dự án đề xuất thực hiện theo hình thức PPP đã có 63 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Tuy nhiên trong số này mới chỉ có 18 dự án đã thực hiện được báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; 10 dự án thực hiện được báo cáo khả thi.
Danh mục đề xuất rất dài thể hiện nhu cầu gọi vốn đầu tư lớn, song mặt khác lại thể hiện sự thiếu sàng lọc dự án. Hiện nay danh mục này chủ yếu do chính quyền địa phương đề xuất chứ không phải là Bộ Y tế, trong đó nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với hơn 10 dự án. Bên cạnh đó, các dự án này chủ yếu tập trung vào bệnh viện thay vì y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. “Điều này khiến chúng tôi trăn trở rằng đầu tư của ngành y tế vẫn nặng về hạ tầng, nhẹ về dịch vụ. Mặc dù chúng ta đặt ra trọng tâm bao phủ y tế toàn dân và cơ sở nhưng khối tư nhân tham gia vào hạ tầng là chính, tức là cung ứng dịch vụ nhà nước vẫn phải làm”, ông Sang phân tích.
Vấn đề khác là đa số dự án được đề xuất đều tập trung ở các đô thị lớn, nơi người dùng có khả năng chi trả cao. “Vậy vị trí người nghèo ở đâu trong các dự án PPP?”, chuyên gia của WB đặt câu hỏi. Chúng ta không thể trách NĐT được vì họ phải có lợi mới làm. Song những tiếng vọng từ thực tế cho thấy cần đặt lại vai trò nhà nước trong đầu tư vào các hoạt động mang tính an sinh xã hội. Rõ ràng nhà nước vẫn phải đóng góp vốn vào các dự án ít sinh lợi để NĐT sẵn sàng đầu tư vào các khu vực khó khăn. Vì vậy, phải làm sao để có cơ chế thúc đẩy đầu tư vào các khu vực khó tạo ra lợi nhuận như y tế.
Việc danh mục đề xuất ra nhiều nhưng thực hiện lại nhỏ giọt chính là bằng chứng cho thấy nguồn lực của Nhà nước cho lĩnh vực y tế rất hạn chế, vì vậy không có nguồn lực xây dựng báo cáo tiền khả thi và khả thi. Đó là chưa kể việc thu hút nguồn lực tư nhân tham gia là rất tốt, nhưng nếu không có đấu thầu cạnh tranh thì chi phí chưa chắc đã rẻ hơn đầu tư công.
Rào cản lớn nhất là năng lực thể chế
Dưới góc nhìn của NĐT, ông Trần Tiến Quân - Tổng thư ký Hiệp hội NĐT y tế Việt Nam, Tổng giám đốc Bệnh viện Hợp Lực (Thanh Hoá) cũng cho rằng, các rào cản cơ chế, chính sách đang làm cản trở nguồn lực lớn sẵn sàng đổ vào lĩnh vực y tế. Dù phía hiệp hội đánh giá môi trường pháp lý cho y tế tư nhân cơ bản đã ổn định, nhưng quá trình xã hội hoá cũng phát sinh rất nhiều bất cập. Vì vậy nếu có những chính sách thuận lợi hơn thì sẽ còn phát triển hơn nữa.
Theo các thành viên của Hiệp hội NĐT y tế, vướng mắc lớn nhất đối với lĩnh vực này là vẫn có sự phân biệt đối xử giữa cơ sở y tế công với cơ sở tư nhân. Ví dụ một phòng khám ở Bắc Giang hoạt động 10 năm nay nhưng vừa qua muốn xin nâng cấp lên bệnh viện không được. Vướng mắc đầu tiên là chính sách đất đai. Theo đó bệnh viện này đã có đất và đã chuyển đổi từ đất thương mại sang y tế, nhưng lại có yêu cầu phải đấu thầu trong khi luật không có quy định này do đất y tế đã là đất xã hội hoá.
Hay như trường hợp của Bệnh viện Hợp Lực có tổng số 1.200 giường bệnh, quy mô hạng 2 cấp tỉnh, xét về năng lực kỹ thuật cao hơn bệnh viện công hạng 3. Tuy nhiên cơ sở này lại không được hưởng chính sách như bệnh viện công hạng 3. Ví dụ khi yêu cầu thẩm định hồ sơ bệnh án liên quan đến nhiễm dioxin hay chất độc da cam, thì hội đồng thẩm định không công nhận bệnh án của bệnh viện Hợp Lực, mà họ xem kết quả của bệnh viện công mới là chính xác.
Ông Quân chia sẻ thêm một câu chuyện khác cho thấy đang tồn tại sự phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư, khiến NĐT trong lĩnh vực này nản lòng. Đó là quy định về việc phân hạng bệnh viên, phân tuyến đánh giá chuyên môn kỹ thuật. Ví dụ bệnh viện tuyến tỉnh phải ra bộ thẩm định, trong khi bệnh viện công chỉ cần Sở Y tế thẩm định.
“Cho nên anh em hiệp hội cứ rồng rắn kéo nhau ra Bộ Y tế để thẩm định rất vất vả. Chỉ có một cơ quan của bộ thôi mà tất cả cơ sở y tế tư nhân cả nước phải kéo lên đó để thẩm định”, ông Quân chỉ ra thực tế.
Tất cả những vướng mắc đó khiến việc triển khai dự án PPP trong y tế hiện nay mang tính chất thăm dò từng dự án một, không có mục tiêu, chiến lược rõ ràng. Mặc dù nhà nước kêu gọi đầu tư, các NĐT tham gia nhưng mục tiêu tiếp cận công bằng y tế không rõ ràng, trong quá trình hợp tác xuất hiện tài sản công (đất đai, nguồn nhân lực…) cũng gây khó khăn khi xác định phần đóng góp của khối công lập.
Như vậy, điểm mắc cốt lõi là năng lực thể chế cho PPP y tế ở Việt Nam. Cụ thể đó là các vấn đề: tổ chức triển khai PPP y tế yếu/mỏng; không có hướng dẫn về PPP y tế; hạn chế nguồn tài chính để phát triển dự án PPP; cán bộ thiếu năng lực; cộng đồng chuyên gia thiếu kinh nghiệm; thiếu thông tin về khung pháp lý, thực hành tốt, bài học thành công/thất bại, NĐT tiềm năng và tư vấn.
“Nếu chương trình xây dựng luật, quy định rất tốt rồi nhưng với năng lực thể chế thế này liệu có phát triển được PPP hay không”, chuyên gia của WB lo ngại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận