24HMONEY đã kiểm duyệt
13/07/2024
PLX - Chi phí kinh doanh định mức tăng và giá mới thúc đẩy nâng tầm giá trị
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS báo cáo đạt 28% cho giai đoạn 2023- 2026, nhờ tăng trưởng sản lượng là 4,1%/năm và dự kiến biên lợi nhuận gộp tăng lên 7,4% trong năm 2025/2026 so với mức trung bình trước đại dịch Covid 19 là 8,6%, theo kỳ vọng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2024.
Điểm nhấn tài chính
• Định giá của PLX là khá hấp dẫn với P/E năm 2025 là 12,4 lần, thấp hơn 24% so với mức của các công ty cùng ngành tương đồng nhất (PTT Retail & Oil của Thái Lan) và thấp hơn 37% so với P/E trung bình 5 năm trước đây của công ty. Chúng tôi dự báo cổ tức tiền mặt trên mỗi cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi trong năm 2025 so với năm 2023 (lợi suất tương ứng là 6,5%) do lượng tiền mặt ròng ngày càng tăng của PLX.
• Rủi ro: Giá dầu biến động bất lợi; rủi ro chính sách (số ngày tồn kho cao hơn), lỗ tỷ giá.
Luận điểm đầu tư
Chúng tôi tăng giả định về tổng lợi nhuận gộp trên mỗi lít, phản ánh mức tăng trong chi phí định mức. Vào ngày 04/7, Bộ Công Thương đã thông qua phương án tăng chi phí định mức cho mỗi lít xăng và dầu diesel từ 60 đồng và 140 đồng lên 1.140 đồng (+6%, gấp 2 lần mức tăng vào năm 2023) và 1.170 đồng (+14%, gấp 4,7 lần mức tăng vào năm 2023), điều này sẽ giúp tăng giá xăng dầu. Vào tháng 7/2023, chi phí định mức trên mỗi lít xăng và dầu diesel tăng lần lượt 30 đồng lên 1.080 đồng và 1.030 đồng, giúp LNST quý 1/2024 của PLX tăng 73% YoY (xem Hình 22). Chúng tôi cho rằng các mức tăng này sẽ cải thiện khả năng trang trải chi phí kinh doanh thực tế của PLX. Chúng tôi ước tính lợi nhuận gộp thực tế trên mỗi lít của PLX vào khoảng 80% tổng chi phí và lợi nhuận định mức trong giai đoạn 2020-2023, do giá dầu biến động mạnh, trái ngược với lợi nhuận gộp trên mỗi lít là khoảng 95% tổng chi phí vận hành & lợi nhuận định mức trước đại dịch Covid 19.
Chúng tôi tăng giả định tốc độ tăng trưởng ổn định từ 2% lên 3% do chúng tôi kỳ vọng PLX sẽ được hưởng lợi trong dài hạn từ việc mở rộng phân phối nhiên liệu máy bay khi Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) bắt đầu hoạt động. Tại ĐHCĐ vừa qua, ban lãnh đạo cho biết PLX có kế hoạch cung cấp nhiên liệu máy bay cho các hãng hàng không tại LTA trong kế hoạch kinh doanh 2020- 2030. Hoạt động phân phối nhiên liệu máy bay phản lực đóng góp trung bình khoảng 10% vào LNTT của PLX trong giai đoạn 2019-2023 thông qua công ty con Petrolimex Aviation do PLX sở hữu 59%. Ngoài ra, trong cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, PV OIL cho rằng việc tham gia kinh doanh nhiên liệu máy bay là rất khó khăn, vốn đang bị thống trị bởi Skypec và Petrolimex Aviation, cho thấy vị thế cạnh tranh của PLX trong hoạt động kinh doanh này.
Bình luận