Piano ế ẩm ở Trung Quốc vì giới trung lưu dè sẻn
Trung Quốc - thị trường piano lớn nhất thế giới - chứng kiến cuộc khủng hoảng doanh số khi khách hàng chính là tầng lớp trung lưu siết chi tiêu.
Nhà máy đàn piano Girod ở Luoshe (Hồ Châu) đã quyết định ngừng sản xuất vào mùa hè này. Kể từ đầu năm nay, các đơn đặt hàng giảm dần và hàng tồn kho chất đống. Sở hữu nhà máy, gia đình ông Yao quyết định thanh lý vài chục cây đàn piano còn lại trong kho để chờ ngày tươi sáng hơn.
Ba năm trước, họ bán chúng với giá từ 10.000 nhân dân tệ mỗi chiếc nhưng nay phải giảm còn 7.000 hoặc 8.000 nhân dân tệ nếu muốn có người mua. "Tình hình đã khó khăn năm ngoái nhưng doanh số giờ thực sự tệ. Hàng xóm chúng tôi đã phá sản, giống như rất nhiều người khác ở Luoshe", gia đình Yao nói. Theo ước tính của họ, hàng chục nhà sản xuất đã ngừng hoạt động.
Niêm yết trên sàn Thâm Quyến, hai nhà sản xuất đàn piano hàng đầu Trung Quốc là Hailun và Pearl River cũng chứng kiến cuộc sụp đổ của thị trường. Trong quý I, cả hai báo lỗ và doanh thu cả hai giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc cho biết tổng sản lượng piano sản xuất trong nước năm ngoái đã giảm xuống còn 190.000 chiếc, bằng một nửa bốn năm trước. Từng là biểu tượng địa vị cho các gia đình trung lưu, biến Trung Quốc trở thành thị trường piano lớn nhất thế giới, nhạc cụ danh giá này đã mất đi sự ưa chuộng, là nạn nhân của tình trạng kinh tế ảm đạm.
Theo tạp chí ThinkChina (Singapore), tầng lớp trung lưu Trung Quốc trước đây đối diện với cái gọi là "bộ 3 tử thần" làm cạn kiệt tài sản gồm: nợ vay mua nhà; một người vợ/chồng không có việc làm; hai đứa con đang học trường quốc tế.
Nền kinh tế chậm lại khiến nó được nâng cấp thành "bộ 5 tái nghèo" cho trung lưu, gồm: đầu tư bốc đồng để khởi nghiệp; rút hết tiền bạc và tài sản để mua nhà; cho con cái học trường danh giá; trở thành người bảo lãnh cho ai đó; đầu tư và quản lý tài chính một cách mù quáng.
Sách trắng về tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc công bố vào tháng 1 trên nền tảng truyền thông tài chính Wu Channel cho biết tài sản của 43% gia đình trung lưu mới đã giảm vào năm 2023 so với tỷ lệ 31% của năm 2022 và 8% hồi 2021.
Kể từ khi các đợt phong tỏa chống dịch kết thúc đầu 2023, các gia đình đang tránh mua sắm những thứ không cần thiết. Vào quý II, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo và chậm nhất kể từ tháng 12/2022.
Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết doanh số bán lẻ yếu là dữ liệu kinh tế đáng chú ý quý vừa qua. "Chi tiêu hộ gia đình vẫn rất yếu, với việc các nhà tuyển dụng cắt giảm lương và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao. Các hộ gia đình vẫn sẽ thận trọng trong tương lai", Xing nói.
Sức mua trung lưu giảm đi kèm cải cách giáo dục đã đánh gục thị trường piano. Kể từ 2021, năng khiếu âm nhạc không còn được cộng điểm vào đại học tại nước này. "Không chỉ là tệ mà mọi thứ như một cú sốc", Deng Shurou, 27 tuổi, giáo viên dạy piano tại Thượng Hải cho biết. Cô đã rời trường Roland Music cách đây một năm để bắt đầu kinh doanh riêng. Tháng trước, chuỗi dạy âm nhạc này cũng đã phá sản.
Theo Deng Shurou, tỷ lệ sinh giảm, suy thoái kinh tế và cải cách giáo dục khiến thị trường piano lao dốc. Kể từ khi kết thúc thời kỳ Covid, các gia đình đã đi nghỉ mát hoặc đi xa vào cuối tuần. Điều đó có nghĩa là ít thời gian cho các lớp học nhạc hơn. "Nhiều trẻ cũng bỏ học vì chúng không thích. Cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của con cái họ nhiều hơn so với thế hệ của tôi", cô cho biết.
Weiwei, 40 tuổi, là một trong những phụ huynh không bị thuyết phục bởi cây đàn piano. Cô đã do dự một thời gian dài trước khi quyết định cho con gái 10 tuổi dừng học. "Sau tất cả những gì chúng tôi đã đầu tư về thời gian và tiền bạc, đây không phải là một lựa chọn dễ dàng", cô nói. Cô cho rằng cây đàn piano không còn hữu ích cho việc học sau cải cách giáo dục 2021 và con gái ngày càng có nhiều bài tập về nhà. "Một giờ chơi piano mỗi ngày là quá nhiều. Bây giờ con bé có thời gian cho thể thao và đọc sách", cô nói.
Chi phí cũng là vấn đề. Một buổi học piano 45 phút tại các thành phố lớn giá khoảng 500 nhân dân tệ (63 euro). Weiwei cho rằng thu nhập gia đình dù khá và chấp nhận được nhưng vẫn nên cẩn thận. Đầu năm nay, họ đã bán lại chiếc piano Pearl River được mua với giá 20.000 nhân dân tệ cách đây 5 năm với giá 5.000 nhân dân tệ. "Không ai an toàn trước tình trạng sa thải", cô nói.
Theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc, Luoshe được chỉ định là "huyện sản xuất đàn piano của Trung Quốc" vào 2014. Đến năm 2020, thị trấn này đã có 114 công ty, tuyển dụng 4.000 người để sản xuất 50.000 cây đàn piano mỗi năm.
Huapu là một trong những câu chuyện thành công của địa phương. Công ty được thành lập vào 1984 và tư nhân hóa năm 1997, tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ khối lượng sản xuất và danh tiếng vững chắc. Công ty có 100 công nhân nhưng giờ chỉ còn 30. Một nửa số này phụ trách làm đồ nội thất chứ không phải đàn. Một quản lý Huapu cho biết họ phải đa dạng hóa sản phẩm khi không có đơn hàng piano.
Những thương hiệu cao cấp nhất của Luoshe giờ nuôi hy vọng xuất khẩu. Mei Awu bán những chiếc piano với giá từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ. Ông nói công ty ít bị ảnh hưởng hơn so với các sản phẩm cấp thấp của hàng xóm nhưng cũng đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng. Vì vậy, ông hiện bán 30% sản lượng ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và Đông Nam Á, so với 10% hồi 2 năm trước.
Đàn piano từng làm nên tên tuổi của Luoshe giờ trở thành gánh nặng cho kinh tế địa phương. Để cải tạo khu công nghiệp và có mặt bằng cho các công ty năng động hơn, chính quyền gần đây giải tỏa các nhà sản xuất đàn đi nơi khác.
Gia đình Yao cho rằng ngành này đang bị thay thế khi không còn tạo ra nguồn thu ngân sách tốt như xưa. Dù vậy, nhà ông không sẵn sàng từ bỏ. "Nếu doanh số tăng lên, chúng tôi sẽ sẵn sàng khởi động lại sản xuất. Đây là cơ nghiệp gia đình, tôi không thể bỏ cuộc được", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận