Pi vẫn là một dự án “bất thường”
Sau cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình giữa TS. Đặng Minh Tuấn và đại diện nhóm “đào” Pi, Pi Network vẫn chưa thể chứng minh đây là một dự án bình thường.
Mới đây, đại diện nhóm “đào” Pi cùng với Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Blockchain, đồng thời là Trưởng Lab Blockchain thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông đã có buổi tranh luận trên truyền hình xoay quanh chủ đề tiền điện tử Pi Network.
Theo đó, TS. Đặng Minh Tuấn cho biết mình chưa từng khẳng Pi Network là dự án lừa đảo, mà chỉ đưa ra các ý kiến khách quan dựa trên góc độ nghiên cứu về lĩnh vực này. Cụ thể, với những dự án không có mã nguồn minh bạch sẽ không có căn cứ để nhà đầu tư xác định được các giao dịch trong quá trình dự án hoạt động. Dẫn đến nghi vấn về việc những người sáng lập Pi Network có tự phân phối riêng cho bản thân hàng triệu hay hàng tỷ đơn vị Pi hay không. Trong khi các dự án khác đều có mã nguồn mở minh bạch.
“Giá trị của một đồng tiền điện tử được được bản vị theo niềm tin hoặc vật chất cụ thể. Nếu muốn tạo được niềm tin, đồng tiền đó cần sự minh bạch”, TS. Đặng Minh Tuấn khẳng định.
Còn theo đại diện nhóm đào Pi, ông Bùi Tài cho rằng, mọi người tham gia vào cộng đồng Pi là để điểm danh, tương tự việc chấm công mỗi ngày. Cứ 24 tiếng, người dùng phải điểm danh một lần để nhận được số công tương ứng với số công đóng góp.
Song, hành động “điểm danh” này không thực sự mang lại ý nghĩa giống như việc “đào” là cách xác thực giao dịch trên hệ thống.
Trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Tài chính Thế hệ mới cho biết, các quan điểm trái chiều xoay quanh Pi Network cũng là điều dễ hiểu. Ở góc độ nghiên cứu về lĩnh vực blockchain và tiền ảo, sẽ thấy nhiều điểm bất cập trong một dự án về tài chính có hàm lượng công nghệ cao. Nhưng ở góc độ người đầu tư, thì nhiều người cho rằng đây là cơ hội.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, một dự án phát hành coin cần hội tụ nhiều điều kiện cần và đủ, không chỉ để hoàn thiện một đồng coin với đúng tính chất kỹ thuật, mà còn có giá trị trong ứng dụng và tạo niềm tin với người dùng. Trong đó, nền tảng blockchain là nền tảng cốt lõi để phát triển. Blockchain (hay cuốn sổ cái) là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block). Chúng được liên kết với nhau nhờ mã hóa. Các khối thông tin này hoạt động độc lập và có thể mở rộng theo thời gian. Chúng được quản lý bởi những người tham gia hệ thống chứ không thông qua đơn vị trung gian.
Như vậy, khi một khối thông tin được ghi vào hệ thống Blockchain thì không có cách nào thay đổi được. Chỉ có thể bổ sung thêm khi đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Khối thông tin mà chúng ta đang nhắc đến là những cuộc trao đổi, giao dịch trong thực tế.
Ngoài công nghệ blockchain, một đồng coin còn cần dựa trên mã nguồn mở và một nền tảng riêng (chain) như ERC20 (Ether) hay Polkadot,... Điều này để người tham gia biết nó có đáng tin không, có dấu hiệu lừa đảo không và góp ý để hoàn thiện hơn.
Có thể thấy, ở Pi không đáp ứng được những điều kiện trên nên không ai biết bên trong công nghệ lõi của Pi là gì, tương tự một số đồng coin trước đó cũng có mô hình hoạt động tương tự, như đồng BCC (Bitconnect), Hextra coin hay Unix coin,... cũng ẩn mã nguồn, trong khi đây là điều kiện bắt buộc của blockchain.
Câu hỏi đặt ra là động cơ của Pi là gì và tại vì sao nó vẫn hấp dẫn người tham gia như hiện nay. Theo ông Đinh Hồng Sơn, Pi ra mắt từ năm 2019, được giao dịch nội bộ từ năm 2020 và đến nay đã thu hút được hơn 13 triệu người dùng. Những người tham gia “đào” Pi tính đến hiện tại vẫn chưa phải bỏ một loại chi phí nào mà có thể đào trên điện thoại thông minh. Đây chính là điểm hút mắt với các dự án tài chính, số vốn 0 đồng.
“Tuy nhiên trên không gian mạng, lợi ích nhận được và thiệt hại mất đi đôi khi người dùng không nhận ra và nó chỉ là những thông số điện tử. Như là dữ liệu cá nhân, thông tin định vị, thậm chí cả những bí mật riêng tư,... Con số 13 triệu người dùng là rất lớn với một ứng dụng ra mắt người dùng, con số này có thể tăng lên trong thời gian tới với tốc độ lan truyền thông tin như hiện nay. Như vậy, Pi đã đạt được mục đích thâu tóm dữ liệu, còn chiến dịch tiếp theo là gì, điều này chưa ai có thể nói trước. Nhưng động cơ của Pi vẫn là ẩn số và có dấu hiệu bất thường”, ông Sơn chia sẻ.
Một điểm nữa, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa công nhận các hoạt động giao dịch tiền ảo, Pi cũng hoàn toàn không có đại diện nào ở Việt Nam để bảo hộ cho đồng coin này. Vì vậy khi số đông tự nguyện tham gia sẽ phải chấp nhận những rủi ro nếu có, đặc biệt liên quan đến thiệt hại về tài sản cũng không thể tiến hành khởi kiện, lấy lại quyền lợi.
Gần đây, hội nhóm những người “đào” Pi tại Việt Nam còn chia sẻ nhau hình ảnh các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Pi, từ cửa hàng điện thoại đến quán cà phê… Theo những người chơi tiền điện tử, việc thanh toán bằng Pi như quảng cáo là chưa khả dụng. Đây chỉ là chiêu dụ thêm người tải Pi bằng mã giới thiệu, từ đó giúp họ tăng tốc độ đào Pi mà thôi.
Quản trị viên một diễn đàn đào Pi lớn nhất ở Việt Nam cũng khẳng định việc mua bán Pi đang bị cấm trên hệ thống này. Pi Network hiện chưa cho phép người dùng mua bán đồng Pi. Người này cũng cho biết người dùng Pi “có thể trao đổi hàng hóa dựa trên sự đồng thuận, nhưng điều kiện là phải được xác thực danh tính KYC và mở tính năng giao dịch nội bộ IAT (In App Transfer). Tuy nhiên, người dùng nào được Pi mở IAT hiện vẫn còn là ẩn số.
Việc thanh toán bằng Pi là vi phạm pháp luật Việt Nam. “Tiền ảo không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói trong buổi họp báo mới đây. Do đó, việc mua bán, kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo vệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận