menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bích Lan

Phương Tây sắp "cạn" đòn trừng phạt, chiến dịch quân sự của Nga vẫn tiếp diễn

Mỹ và các thành viên EU vừa áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới với Nga mà họ cho là còn khắc nghiệt hơn các vòng trừng phạt trước đó. Động thái mới nhất này diễn ra hơn một tháng sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

“Chúng ta đang ở ngưỡng mà bản thân chúng ta cũng chịu đau”

Hiện nền kinh tế Nga đang quay cuồng trong sức ép, nhưng ít người cho rằng vòng trừng phạt mới của phương Tây sẽ có hiệu quả hơn trong việc thay đổi các mục tiêu của Nga so với những vòng trừng phạt trước đó. Còn ở phương Tây, những lựa chọn dễ dàng nhất đã cạn kiệt và sự rạn nứt đã xuất hiện giữa các nước đồng minh liên quan đến thực hiện bước đi tiếp theo.

Phương Tây sắp "cạn" đòn trừng phạt, chiến dịch quân sự của Nga vẫn tiếp diễn
EU nhất trí áp lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu than đá từ Nga. Ảnh: Getty.

EU hôm 7/4 đã chính thức thông qua vòng trừng phạt thứ 5 đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, trong đó có quyết định cấm nhập khẩu than đá. Đây là lần đầu tiên EU áp lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng có thể rất cần thiết. Nhưng nhiều nước châu Âu vẫn chia rẽ về vấn đề này bởi dầu mỏ và khí đốt của Nga đóng vai trò rất quan trọng dối với nền kinh tế của họ.

Trước đó, ngày 6/4, Mỹ và nhóm G7 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga Sberbank (SBER.MM), nhiều doanh nghiệp nhà nước, quan chức chính phủ Nga và các thành viên trong gia đình ủa họ, ngăn những cá nhân này tiếp cận hệ thống tài chính dựa trên đồng USD. Washington cũng cấm công dân Mỹ đầu tư mới vào Nga và ngăn Moscow thanh toán cho các chủ nợ bằng tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ.

Mặc dù giá trị đồng rúp Nga đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần qua vào ngày 7/4, nhưng các quan chức Bộ Tài chính Mỹ vẫn cho rằng, các lệnh trừng phạt đang bắt đầu biến Nga trở thành một nền kinh tế đóng cửa như thời điểm những năm 1980.

Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng có lỗ hổng cho phép Nga tiếp tục có doanh thu từ xuất khẩu năng lượng. Phát biểu với các nhà lập pháp Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, nước này vẫn chưa thể áp dụng những hạn chế mạnh hơn đối với lĩnh vực năng lượng của Nga vì Liên minh châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU thu về 400 triệu USD/ ngày và khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ, thu về khoảng 700 triệu mỗi ngày.

Ông Benn Steil, giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng Đối ngoại (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách) ở New York, đánh giá: “Chúng ta đang ở ngưỡng mà bản thân chúng ta cũng chịu đau”.

Sự chia rẽ tại châu Âu trở nên rõ ràng hơn trong tuần này. Sau khi Litva tuyên bố dừng nhập khẩu khí đốt của Nga, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu khí Nga. Ông cho rằng quyết định đó sẽ gây tổn hại cho Áo nhiều hơn Nga.

Phương Tây hiện giờ có rất ít lựa chọn

Ông Daniel Tannebaum, cựu quan chức Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ nhận định: “Thiếu thống nhất trong hạn chế nhập khẩu năng lượng đồng nghĩa với việc phương Tây có rất ít lựa chọn để gia tăng sức ép với Nga, nhưng lệnh cấm đầu tư được công bố hôm 6/4 có thể khiến nhiều công ty đa quốc gia rời khỏi nước này”.

Mỹ vừa muốn thúc đẩy các đồng minh châu Âu gây thêm tổn thất cho Nga lại vừa muốn đảm bảo liên minh xuyên Đại Tây Dương không xảy ra chia rẽ song nỗ lực này được cho là ngày càng khó thực hiện.

Nói về các lệnh trừng phạt, ông Clayton Allen, nhà nghiên cứu tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng: “Cả hai bên bờ Đại Tây Dương đang đạt đến mức trần về những biện pháp gì có thể dễ dàng thực hiện hoặc có thể tiến hành trong thời gian ngắn”.

Chuyên gia này đánh giá, để chuyển sang vòng trừng phạt cứng rắn hơn, các quan chức Mỹ sẽ phải đảm bảo với châu Âu rằng thị trường năng lượng và nguồn cung sẽ ổn định để tránh những khó khăn kinh tế nghiêm trọng bởi một EU suy yếu về kinh tế sẽ không có lợi cho cả 2 bên.

Ông Allen nói: “Nếu Tây Âu rơi vào suy thoái, điều đó sẽ hạn chế đáng kể sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất mà họ có thể cung cấp cho Ukraine”. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến ​​sẽ thúc giục các đồng minh hành động nhiều hơn khi ông tham gia các cuộc họp ngoại trưởng NATO và G7 ở Brussels trong tuần này.

Trừng phạt không làm thay đổi chiến dịch quân sự của Nga

Tướng Mark Miley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thừa nhận, “các lệnh trừng phạt có khả năng răn đe rất kém” khi trả lời câu hỏi tại sao chúng không khiến Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine. Song ông nhấn mạnh, chúng vẫn có giá trị. “Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là buộc Nga phải trả giá đắt. Các lệnh trừng phạt kết hợp với việc kiểm soát xuất khẩu đang phá vỡ nền kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại”.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt chỉ đạt được hiệu quả trong khoảng 30 đến 40% thời gian áp dụng và những trường hợp thành công thường có mục tiêu rất khiêm tốn, chẳng hạn như thay đổi chính sách thương mại hoặc thả một số tù nhân chính trị nhất định.

Thay vì hạ thấp uy tín của Tổng thống Putin, lệnh trừng phạt của phương Tây lại khiến tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Nga ở trong nước gia tăng. Một cuộc thăm dò độc lập của Nga công bố vào cuối tháng 3 cho thấy, 83% người Nga tán thành các hành động của Putin, con số này tăng so với 69% hồi tháng 1/2022. Theo giới phân tích, kịch bản Tổng thống Putin phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của người dân trong nước dường như không diễn ra theo suy tính của phương Tây.

Vẫn chưa rõ điều này có thể thay đổi hay không nếu phương Tây tung những đòn trừng phạt mạnh mẽ nhất với Nga mà trước đó họ chưa từng áp đặt với bất cứ quốc gia nào. Nhưng nếu Mỹ và châu Âu muốn thực hiện điều gì nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine thì các biện pháp trừng phạt nhiều khả năng không phải là công cụ hữu hiệu, nhà bình luận Peter Bergen của CNN lưu ý.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 7/4 cho biết, Nga đang đối mặt với tình huống khó khăn nhất trong 3 thập kỷ qua do các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phưng Tây, nhưng nỗ lực của nước ngoài nhằm cô lập Moscow khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ thất bại. Ông khẳng định, tình hình hiện nay sẽ tạo tiền đề cho các cơ hội kinh doanh mới vì khi một số công ty rời khỏi Nga sẽ nhường chỗ cho những công ty khác./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
6 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại