Phương Tây khó hạ gục kinh tế Nga bằng trần giá dầu
Mức trần 60 USD/thùng phương Tây áp với dầu Nga khó tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính với nước này, nhưng có thể kiềm chế giá tăng vọt.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng các cường quốc thuộc nhóm G7 áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ của Nga. Quyết định được đưa ra sau khi Ba Lan, thành viên EU từng đề nghị mức giá trần 30 USD/thùng trong các cuộc đàm phán, cuối cùng đã nhất trí với mức trần cao hơn hôm 2/12.
Ý tưởng về việc áp giá trần, được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen thúc đẩy, nhằm hạn chế lợi nhuận mà Nga có thể thu được từ xuất khẩu dầu nhưng không tạo ra đứt gãy nghiêm trọng trong nguồn cung toàn cầu.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, ngăn các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho những lô dầu Nga được bán cao hơn giá đã định. Dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển chiếm 2/3 lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, số còn lại được chuyển qua đường ống.
John Kirby, điều phối viên chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết mức giá trần 60 USD là "phù hợp" và có thể đạt được mục tiêu là "cân bằng cung cầu nhưng cũng hạn chế khả năng thu lợi nhuận của Nga".
"Khoảng một tháng trước, có những dấu hiệu cho thấy Nga bán dầu với mức giá 100 USD/thùng. Vì vậy, đây sẽ là một mức sụt giảm đáng kể", ông nói.
Tuy nhiên, giá trần mà EU thống nhất cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất của Nga và gần với mức giá mà dầu mỏ Nga đang được giao dịch, đồng nghĩa nó có thể không mang lại nhiều tác động trực tiếp, giới phân tích nhận định. Giá dầu thô Urals của Nga hiện được giao dịch ở mức khoảng 65 USD/thùng.
"Con số 60 USD, ở điều kiện thị trường hiện tại, sẽ không gây hại cho Nga", Simone Tagliapietra, chuyên gia về năng lượng từ viện nghiên cứu Bruegel, trụ sở tại Brussels, Bỉ, nhận xét. "Nó chủ yếu chỉ đáp ứng mong muốn của Mỹ là ngăn giá dầu tiếp tục tăng".
Theo Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, mức giá trần 30 USD/thùng mới có thể "gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính với Nga".
Trước khi mức giá trần được thống nhất, nhiều tranh cãi đã nổ ra bên trong EU đến mức nhiều người còn bi quan rằng châu Âu khó thông qua quyết định này. Maria Shagina, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Viện Chiến lược Quốc tế ở Berlin, Đức, nhấn mạnh tranh cãi về mức trần cho thấy mối bất đồng của phương Tây về mục tiêu theo đuổi: Làm tổn hại nền kinh tế Nga hay kiềm chế lạm phát.
Dù vậy, chính quyền Biden nhấn mạnh việc phương Tây có thể áp được giá trần với dầu mỏ Nga, qua đó cho phép tiếp tục duy trì dòng dầu từ Nga nhưng vẫn đảm bảo Moskva không hưởng lợi từ việc tăng giá, quan trọng hơn việc mức giá là bao nhiêu.
Theo Sergei Guriev, giám đốc Viện nghiên cứu Chính trị Paris, Pháp, tác động trực tiếp của biện pháp áp giá trần dầu Nga có thể không đáng kể, nhưng các lệnh cấm đi kèm với nó sẽ đẩy nền kinh tế Nga vào tình thế chưa từng có.
Khi EU hạn chế mua dầu, Nga sẽ phải chuyển phần lớn dầu thô của mình sang châu Á, phương án tốn kém hơn về chi phí và khiến Nga chịu thiệt hại khi phải bán dầu với mức chiết khấu cao, Guriev nói.
Janis Kluge, chuyên gia tại Viện các Vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức, nhận định Nga sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển hướng tất cả lượng dầu bị cấm vận, ước tính khoảng 2,4 triệu thùng mỗi ngày, và có thể chứng kiến mức xuất khẩu giảm 10-20%. "Điều này sẽ khuếch đại những tác động đến triển vọng vốn đã không mấy sáng sủa đối với ngân sách Nga", ông nói. "Theo thời gian, nó sẽ khiến áp lực tài chính gia tăng".
Về kế hoạch áp giá trần, hiện EU vẫn chưa thể làm rõ những câu hỏi liên quan đến việc chính sách này sẽ được giải thích và thực thi thế nào.
Nga đã cảnh báo nếu biện pháp áp giá trần được áp dụng, Moskva sẽ trả đũa, có khả năng cắt nốt phần lượng khí đốt còn lại đang xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống, trong bối cảnh lục địa này đang bước vào mùa đông và đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao. "Các công ty áp đặt giá trần sẽ không nhận được dầu Nga", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào tháng 9.
Nếu Nga phản ứng bằng cách ngừng cung cấp dầu ra thị trường thế giới, phương Tây có thể bị ảnh hưởng. Nhưng Mỹ và các đồng minh tin rằng để có nguồn thu và duy trì nền kinh tế, Nga buộc phải tiếp tục bán dầu ra thị trường.
Theo các chuyên gia trong ngành, Nga và những bên mua dầu của họ vẫn có cách "lách giá trần". Một trong số đó là tăng các khoản thanh toán khác, như trả cao hơn cho Nga khi nhập lúa mỳ hay những mặt hàng không bị trừng phạt. Điều này đã xảy ra vào những năm 1990, khi Liên Hợp Quốc tìm cách áp đặt mức giá trần tương tự với dầu Iraq.
Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác có thể tiếp tục mua dầu Nga mà không tuân thủ giá trần nếu chúng được vận chuyển hoặc bảo hiểm bởi các công ty ngoài châu Âu, điều mà một quan chức cấp cao từ Bộ Tài chính Mỹ nói rằng có thể sẽ khiến giá trở nên đắt hơn nhưng giúp họ không bị phạt.
Một phương án "lách luật" khác là Nga bán dầu thô theo giá trần, rồi xử lý hoặc tinh chế chúng bên ngoài lãnh thổ và tiếp tục bán lại với giá cao hơn. Theo hướng dẫn do Bộ Tài chính Mỹ ban hành, nguồn dầu được xử lý theo cách này sẽ không phải chịu lệnh trừng phạt.
Các công ty bị phát hiện cố ý vi phạm trần giá dầu sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho dầu Nga trong ba tháng, một hình phạt mà các nhà phê bình cho là quá nhẹ, khó giúp chính sách phát huy hiệu lực. Tuần trước, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cũng phải thừa nhận rằng áp giá trần dầu "không phải viên đạn bạc" có thể đánh gục nền kinh tế Nga.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận