Phường Đại Kim nói gì về thủ tục đòi lao động tự do về quê xin xác nhận hỗ trợ?
Lãnh đạo UBND phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) lý giải, việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do mất việc làm do dịch COVID-19 chưa theo kịp thay đổi của UBND TP.Hà Nội do nhận được văn bản muộn. Tuy nhiên, dường như lý do này chưa đủ thấu đáo bởi các địa bàn khác của Hà Nội lại không hề gặp vướng mắc này.
Phường "nại" lí do: Văn bản phát đi sáng, công văn hướng dẫn đến chiều
Như Tiền Phong đã phản ánh trong bài "Gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng giải ngân chậm: Máy móc hay tắc trách?" (trên số báo ra sáng 21/8), dù Hà Nội đã có văn bản thông báo bỏ điều kiện về xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú hoặc tạm trú nhưng UBND BND phường Đại Kim vẫn yêu cầu lao động tự do đang sống trên địa bàn, nếu thường trú hoặc tạm trú ở nơi khác vẫn phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú (hoặc ngược lại). Điều này gây bức xúc và mệt mỏi cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi về vụ việc này, ngày 21/8, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim Nguyễn Thị Thái đã có lý giải như sau: Việc phường có văn bản hướng dẫn điều kiện hỗ trợ với lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68, Quyết định 23/2021 của Thủ tướng chưa theo kịp thay đổi của UBND TP.Hà Nội do nhận được văn bản muộn. Điều đáng nói, quyết định sửa đổi này mất gần 3 ngày để từ Sở LĐ-TB&XH tới được chính quyền phường, dù là chính sách hỗ trợ khẩn cấp, nhiều người đang trông ngóng từng ngày.
Theo bà Thái, phải tới chiều 15/8, phường mới nhận được văn bản ngày 13/8 cử Sở LĐ-TB&XH về bỏ điều kiện người lao động tự do đang cư trú trên địa bàn nhưng có hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú ở nơi khác phải xác nhận chưa nhận hỗ trợ ở nơi thường trú (hoặc tạm trú).
Do đó, trong văn bản phát đi sáng 15/8, UBND phường Đại Kim vẫn hướng dẫn triển khai chính sách trên tới các tổ dân phố theo quy định cũ, vẫn yêu cầu lao động tự do trên địa bàn nhưng thường trú hoặc tạm trú ở nơi khác vẫn phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ (?)
“Ngay trong chiều 15/8, chúng tôi đã ban hành văn bản hướng dẫn khác thay thế cho văn bản ban hành buổi sáng. Trong đó đã bỏ điều kiện về xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú hoặc tạm trú”, bà Thái nói.
Dù vậy, tới hôm nay (ngày 21/8), theo tìm hiểu của Tiền phong, vẫn có tổ dân phố chưa thông báo văn bản sửa đổi theo như lời bà Thái nói, chỉ có hướng dẫn lao động tư do phải xác nhận chưa nhận hỗ trợ.
Về lý do tới nay có tổ dân phố vẫn chưa thông báo về sửa đổi trên, theo bà Thái, có thể do tổ dân phố nhận văn bản muộn, hoặc đã nhận nhưng chưa kịp thông báo tới người dân, do các lực lượng địa phương đang ưu tiên tập trung các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, bà Thái mong người dân thông cảm, sẽ "nhắc" các tổ trưởng tổ dân phố sớm triển khai thông báo thay đổi trên tới người dân.
Tuy vị lãnh đạo phường nói như vậy nhưng rõ ràng có thể thấy đối với vấn đề này, chính quyền phường Đại Kim vẫn đang thực sự "loay hoay" chậm trễ, bởi thay vì chờ văn bản qua đường công văn để đến tay, hoàn toàn có thể sử dụng hình thức loa phường, gửi qua zalo, viber, group cư dân để thông báo nhanh công văn qua online trước.
Đã giải quyết 125 trường hợp đủ điều kiện
Về giải ngân gói an sinh lần 2 (theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng), lãnh đạo UBND phường Đại Kim cho biết, tới nay phường này đã nhận được 250 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của lao động tự do mất việc làm. Trong đó, đã xét duyệt 125 trường hợp đủ điều kiện và 39 thợ xây tự do là người ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn phường, thực hiện công bố công khai để chi hỗ trợ. Các trường hợp còn lại đề nghị cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố xác minh lại để xem xét giải quyết hỗ trợ.
Như Tiền Phong đã phản ánh, việc triển khai gói an sinh lần 2 tại Hà Nội đang có sự khác nhau giữa quyết định của UBND Thành phố với chính quyền cơ sở. Theo đó, ngày 12/8, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản bỏ điều kiện về xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú hoặc tạm trú; ngày 13/8 Sở LĐ-TB-TB&XH Hà Nội đã có văn bản hoả tốc gửi các địa phương về thay đổi này.
Tuy nhiên, trong văn bản số 67 ngày 15/8, hướng dẫn về triển khai chính sách hỗ trợ với lao động tự do gặp khó khăn trên địa bàn, UBND phường Đại Kim vẫn yêu cầu lao động tự do đang sống trên địa bàn, nếu thường trú hoặc tạm trú ở nơi khác vẫn phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú (hoặc ngược lại).
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, tính tới chiều ngày 20/8, đã ra quyết định hỗ trợ theo gói an sinh lần 2 với hơn 1,7 triệu người với tổng số tiền trên 421 tỷ đồng. Trong đó, riêng với lao động tự do đã quyết định hỗ trợ 41.770 người, với số tiền trên 62 tỷ đồng (đã chi tới tay 25.457 người với số tiền hơn 38 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận