Phủ 'vắc xin' vì dân, ngừa 'vi rút' trách nhiệm
“Điều cần thiết hiện tại, ngoài vắc xin phòng COVID-19, phải phủ “vắc xin” vì dân cho toàn bộ công chức để phòng ngừa được “vi rút” sợ trách nhiệm”, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “ Chuyển trạng thái phòng chống dịch: Trách nhiệm và bản lĩnh”, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 15/10, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
Đề xuất bỏ quy định “luồng xanh”
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, cùng với du lịch, vận tải là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong đó, vận tải hàng hóa còn hoạt động được 70 - 80% nhưng bị gia tăng chi phí, như phí xét nghiệm, hành trình vận tải hàng hóa bị kéo dài. Đặc biệt, các xe vận tải hàng hóa xuất khẩu còn chịu thêm khoản chi phí đắt đỏ cho đội lái xe dịch vụ, thậm chí còn có nguy cơ mất mát, hư hỏng, dẫn đến phải đền bù và phát sinh nhiều chi phí khác.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, quy định mã “luồng xanh” chỉ phù hợp trong phạm vi hẹp và trong thời gian ngắn. Khi đăng ký để được cấp mã “luồng xanh”, có những xe phải chờ cả ngày. “Tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là loại bỏ các giấy tờ con, liệu mã “luồng xanh” có phải giấy tờ con? Tôi đề nghị nên sớm nghiên cứu bỏ quy định về xe luồng xanh, ông Quyền đề nghị, đồng thời mong muốn đối tượng lái, phụ xe được quan tâm hơn trong việc tiêm vắc xin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel cho rằng, doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ qua nhiều đợt dịch, đặc biệt qua đợt bùng phát thứ 4 này. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, nhưng theo ông Đạt, với riêng ngành du lịch hầu như vẫn nằm im, chưa được mở cửa trở lại. “Trước đây du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng giờ thành “mũi gẫy”, trước là “con cưng” giờ thành “con ghẻ”. Có người còn nói rằng du lịch không phải ngành kinh tế thiết yếu nên không được ưu tiên hoạt động trở lại”, ông Đạt bày tỏ.
Đại diện ngành du lịch băn khoăn, ngoài vấn đề phải cách ly, test COVID, bây giờ còn bổ sung quy định buộc gắn camera trên xe du lịch thì du khách rất khó chịu, không khác gì… đuổi khách.
“Các địa phương, cơ sở cần có bộ phận chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp, bởi cứu các doanh nghiệp là cứu chính chúng ta. Lấy sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của chính chúng ta. Nên tháo gỡ bớt công tác tiền kiểm và chuyển bớt sang hậu kiểm để tránh doanh nghiệp mất niềm tin”, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội kiến nghị.
Trước các đề xuất trên, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) lý giải, việc xét nghiệm COVID -19 của lái xe, trong các văn bản hướng dẫn đều nêu rõ, các tổ chức, cơ sở vận tải có thể tự tổ chức xét nghiệm theo đúng trình tự. “Chúng tôi khẳng định, hành lang “luồng xanh” tạo ra để giúp việc di chuyển của các xe được nhanh hơn chứ không phải tạo ra để cản trở, gây ách tắc”, bà Hương khẳng định.
Không để “phép vua thua lệ làng”
Tại tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam kỳ vọng, Nghị quyết 128 không cần có hướng dẫn của Bộ Y tế và địa phương, mà trực tiếp áp dụng đối với doanh nghiệp và người dân. Bởi trên thực tế, không phải lãnh đạo địa phương nào cũng nhận thức được chủ trương từ Chính phủ. Một số địa phương vẫn đòi hỏi “Zero COVID”, đưa ra các quy định ngặt nghèo. Theo ông Lộc, phải có giải pháp để ngăn chặn tình trạng “phép vua thua lệ làng”.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, điều cần thiết hiện tại, ngoài vắc xin phòng COVID-19, phải bao phủ “vắc xin” vì dân cho toàn bộ công chức để phòng ngừa “vi rút” sợ trách nhiệm. “Nhiều lãnh đạo địa phương sợ COVID-19, chỉ quan tâm làm sao để không có dịch COVID-19 chứ chưa đồng hành gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói và cho rằng, điều quan trọng trước mắt, làm sao phải thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, còn về lâu về dài, phải có bộ luật sống chung với dịch, áp dụng được trực tiếp, không cần các văn bản hướng dẫn.
“COVID-19 qua đi, có thể vi rút khác sẽ xuất hiện. Do đó, bộ luật sống chung là cần kíp. Quốc gia và doanh nghiệp đều phải biết quản lý rủi ro, phòng ngừa tranh chấp. Về phía Nhà nước, đầu tiên phải “trợ thở”, cung cấp oxy cho doanh nghiệp”, ông Lộc đề nghị có cơ chế đặc thù cho giai đoạn tái khởi động nền kinh tế trong 2 năm tới, với các thủ tục hành chính rút gọn tối đa. Bởi thể chế minh bạch vẫn là điều doanh nghiệp quan tâm nhất. “Doanh nghiệp cần nhất là môi trường kinh doanh thuận lợi”, ông Lộc lưu ý.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế đã có quy định chung về việc hướng dẫn các bộ, ngành hoạt động trong điều kiện mới, các địa phương căn cứ theo để thực hiện thống nhất. Trong đó, Nghị quyết 128 nêu rõ, các địa phương chỉ được áp dụng biện pháp cụ thể bổ sung nhưng không được trái nghị quyết và gây ách tắc giao thông, trở ngại đời sống người dân...
“Tinh thần Nghị quyết 128 là loại bỏ các giấy tờ con, liệu mã “luồng xanh” có phải là giấy tờ con? Tôi đề nghị nên sớm nghiên cứu bỏ quy định về xe luồng xanh”.“Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang tạo rất nhiều điều kiện cho các ngành nghề để hoạt động trở lại trong điều kiện dịch bệnh, vấn đề là các địa phương phải áp dụng thống nhất và đúng”, bà Hương nhấn mạnh.
“Chúng tôi khẳng định, hành lang “luồng xanh” tạo ra để giúp việc di chuyển của các xe được nhanh hơn chứ không phải tạo ra để cản trở, gây ách tắc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận