24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hoàng Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phụ phẩm nông nghiệp mỏ “vàng” chưa được khai thác

Phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể mang lại giá trị lên đến hàng tỷ USD mỗi năm nếu được tận dụng tốt, nhưng hiện vẫn chưa được khai thác hết.

Việt Nam đang sản xuất sản lượng lớn lương thực, thực phẩm các loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 97 triệu dân và xuất khẩu trên 41 tỷ USD mỗi năm. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến các nông sản đó, tỷ lệ phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là rất lớn.

Thống kê cho thấy, tổng khối lượng phụ phẩm ở nước ta năm 2020 là trên 156,8 triệu tấn. Trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%); và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long ước tính có 39,4 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chiếm 26,2% tổng lượng phụ phẩm nông nghiệp của cả nước, trong đó 33,3 triệu tấn từ trồng trọt và 6,2 triệu tấn từ chăn nuôi.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng đàn gia súc, gia cầm nước ta thải ra trên 61,4 triệu tấn phân và trên 55 triệu tấn nước tiểu.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ…

Về thủy sản, năm 2020 Việt Nam có tổng sản lượng 8,4 triệu tấn, trong đó khai thác là 3,85 triệu tấn, nuôi trồng 4,56 triệu tấn và nhập thêm 1 triệu tấn nguyên liệu về chế biến. Riêng phụ phẩm trong chế biến thủy sản mỗi năm khoảng 1 triệu tấn. Hiện 90% được thu gom, đưa vào chế biến, làm ra các sản phẩn hữu ích.

Tuy số lượng phụ phẩm nông nghiệp rất lớn nhưng tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt chỉ đạt 52,2% trên tổng lượng là 88,9 triệu tấn; chăn nuôi có tỷ lệ thu gom là 75,1% trên tổng lượng là 61,4 triệu tấn.

Trong đó, tỷ lệ sử dụng rơm lúa vào các mục đích khác nhau là 56,3%, bao gồm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm chất độn chuồng cho vật nuôi, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ luống, phủ gốc cho cây trồng…

Đặc biệt, một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung, gây ô nhiễm không khí, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là hành vi bị cấm theo quy định về pháp luật môi trường.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo chứ không phải là chất thải, xem là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình tuần hoàn khác nhằm kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

“Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD (năm 2020), nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỷ USD”, ông Tống Xuân Chinh cho biết.

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện sinh học (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam), dưới góc độ sản xuất, phụ phẩm chính là “vàng” của nông nghiệp. Với khối lượng 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp sẽ là nguồn nguyên liệu cực kỳ quý. Nếu được chế biến, đưa vào sử dụng sẽ tạo ra một nền nông nghiệp tuần hoàn, đầu ra của quy trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quy trình sản xuất khác, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

GS.TS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp - cho rằng việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.

Trong chế biến thủy sản xuất khẩu, hiện nay con cá tra đang được sử dụng các phụ phẩm rất tốt để chế biến chuyên sâu. Hầu hết các phụ phẩm từ mỡ, da, nội tạng… đều đã được chế biến thành các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao.

“Ngay cả những thứ như hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng chưa khai thác hết. Những loại hạt này hoàn toàn có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, chúng ta đang để lãng phí những thứ rất quý này”, GS.TS. Võ Tòng Xuân cho biết.

Về phía cơ quan chủ quản, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung để khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Hiện dư địa khai thác phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn, song phải có chính sách đi kèm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bổ sung vấn đề này vào các đề án của ngành để thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà khoa học, hiệp hội, nông dân tham gia.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả