Phụ huynh đóng học phí ra sao trong “kỳ nghỉ” Covid – 19”?
Học sinh nghỉ vì dịch bệnh, một số có sở giáo dục dừng hẳn hoạt động nhưng một số nơi vẫn tổ chức giảng dạy trực tuyến nên vẫn phát sinh chi phí. Một số trường mầm non quy mô nhỏ, dù học sinh nghỉ học vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng. Điều này khiến cho việc thu học phí trong kỳ nghỉ vì dịch bệnh Covid - 19 trở nên khó xử lý.
Phụ huynh xôn xao
Ngoài vấn đề gửi con ở đâu, con sẽ làm gì trong tháng nghỉ dài sau Tết thì nhiều bậc phụ huynh còn tranh luận một vấn đề sôi nổi không kém: Học phí tháng 2 của con sẽ như nào?. Đối với các phụ huynh có con học trường công lập thì vấn đề đó dường như không phải bàn nhiều.
Nhưng đối với các bậc phụ huynh có con học trường tư, trường song ngữ, quốc tế… có mức học phí cao và các mức chi phí khác cũng không thấp đi kèm như: tiền ăn, tiền xe đưa đón, các khoản phí khác… cũng là một mối quan tâm không nhỏ.
Học sinh tự học trong đợt nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh Võ Hóa
Trên group của các phụ huynh thuộc Hệ thống trường mầm non Winston (cơ sở Linh Đàm) các phụ huynh cũng đưa ra ý kiến về học phí tháng 2 của con để trao đổi. Phụ huynh Nguyễn Thị H.Y đưa ra ý kiến: nếu miễn giảm học phí cả tháng thì cũng không hợp lý, nhưng giảm 50% chẳng hạn thì hợp lý vì học phí của trường cũng ở mức khá.
Là một trong số ít các trường đưa ra “ứng xử” sớm về vấn đề học phí, Hệ thống Giáo dục Alpha School đã chủ động gửi thư tới Quý phụ huynh với nội dung là để Thông tin về học phí tháng 2 và Chương trình học tập online. Theo đó, quan điểm của trường là dời lại học phí và lấy ý kiến hỗ trợ từ phía phụ huynh.
Phụ huynh Đ.C.T chia sẻ: Việc chủ động thông tin và rõ ràng của nhà trường khiến chị hài lòng. Chị cũng chia sẻ quan điểm cá nhân của mình là ủng hộ đóng học phí tháng 2 cho trường để chia sẻ 1 phần chi phí với nhà trường vì thầy cô không vẫn phải đến trường khử trùng, giảng online, soạn bài mới, tối ngồi sửa bài tập cho từng học sinh…
Nhà trường gặp khó
Những ngày qua, cô Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường mần non Trang Đức (quận Hà Đông, Hà Nội) đang loay hoay tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngôi trường của mình trong bối cảnh học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19. Không có nguồn thu nhưng chi phí mặt bằng, lương giáo viên cùng các khoản chi phí phát sinh khác đang khiến cô Duyên mất ăn mất ngủ.
Theo cô Duyên, giá thuê nhà tại Hà Nội rất đắt đỏ, một tòa nhà đủ điều kiện mở trường mầm non thường có giá từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, lương cho giáo viên, lao công, bảo vệ… nên tổng chi phí phải chi mỗi tháng mà trường đang phải trả lên đến hơn 50 triệu đồng.
“Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, việc nghỉ học là để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Dù vậy, gần 1 tháng không có trẻ đến trường khiến mọi kế hoạch của nhà trường và giáo viên bị đảo lộn. Học sinh nghỉ học, trường sẽ không có nguồn thu, điều này ảnh hưởng đến quyết toán chung”, cô Duyên nói.
Theo cô Duyên, trước mắt ban giám hiệu nhà trường tính đến phương án động viên phụ huynh đóng nửa số tiền học phí dù tháng 2 các con không đi học. Sang tháng 3, nếu học sinh trở lại sẽ chỉ thu một nửa. Như vậy nhà trường mới trang trải được những chi phí phát sinh.
Cô Lê Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường mần non Hoa Mặt Trời (quận Thanh Xuân) cũng đang đau đầu khi học sinh nghỉ học dài ngày. Trường của cô Mai có 2 cơ sở, với gần 200 trẻ. Chi phí thuê mặt bằng, lương giáo viên, tiền vệ sinh, đóng bảo hiểm… tổng cộng gần 200 triệu/tháng, nhưng từ thời điểm ra tết chưa có nguồn thu nào.
“Việc học sinh nghỉ học kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bộ phận giáo viên trường tư. Trẻ chỉ học dưới 7 ngày/tháng thì trường của tôi chỉ thu mỗi 500.000 đồng như phí học thử.
Đa phần trường mần non tư thục đều trông chờ vào khoản thu học phí từ học sinh, giờ các em nghỉ cả tháng, trường phải trừ học phí nguyên tháng. Trong khi đó giáo viên không đi dạy thì chỉ nhận lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng. Mức lương này rất khó sống ở Hà Nội nên nhiều người chán nản”, cô Mai nói.
Theo tìm hiểu của PV, để giải quyết những khó khăn nhiều trường quyết định cắt giảm nhân sự, giảm một phần lương của giáo viên, đến khi học sinh đi học lại sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Nếu trong trường hợp học sinh tiếp tục nghỉ thêm thì đó sẽ là thách thức rất lớn cho các trường mần non tư thục.
“Những bộ phận như bảo vệ, vệ sinh sẽ phải tạm thời tìm kiếm việc làm khác. Những ngày nghỉ, giáo viên được điều động thay nhau đến vệ sinh để trường lớp luôn sạch đẹp. Ban giám hiệu động viên và mong giáo viên thông cảm với tình trạng chung của nhà trường. Hy vọng thời gian tới dịch bệnh sẽ được khống chế để học sinh trở lại học tập”, cô Mai nói thêm.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, các em học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch bệnh như hiện này, các trường học nên xem xét việc có thể miễn giảm học phí cho các em.
Trong khi đó, ông Đào Nam Sơn- nguyên Nghiên cứu viên chính của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới trong ta (cơ quan của Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam) lại cho rằng, dù các cháu có nghỉ học, thầy cô vẫn phải đến trường, vẫn phải chăm lo dạy các cháu gián tiếp qua mạng, vẫn ra bài tập, vẫn chấm bài và bao nhiêu việc khác nữa trong phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Sơn, dịch bệnh trước sau cũng bị dập tắt, các cháu sẽ trở lại trường với những lỗ hổng về kiến thức tất nhiên phải bù đắp. Nền nếp và thói quen học tập của các cháu sau một thời gian nghỉ tương đối dài cũng phải hình thành và xây dựng lại. Các thầy cô sẽ phải làm việc với một cường độ gấp rất nhiều lần. Thời gian học có thể tính đếm được, còn tâm sức bỏ ra cho các cháu thì không thể tính đếm được.
Vì vậy, ông Sơn đề nghị việc miễn hay giảm học phí vì học sinh nghỉ học để tránh dịch bệnh lây lan là không nên, chỉ nên ngừng thu các chi phí mà học sinh không sử dụng như tiền ăn, tiền điện, tiền xe đưa đón, chi phí trông trẻ ngoài giờ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận